“Cánh cửa bầu trời” ra sao sau ba tháng mở rộng?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ba tháng đã trôi qua kể từ khi các đường bay quốc tế được chính thức nối lại. Đến nay, “cánh cửa bầu trời” vẫn đang tiếp tục rộng mở để hàng không Việt Nam từng bước tìm lại “ánh hào quang” của hơn 2 năm về trước, khi Covid-19 chưa xuất hiện.

“Canh cua bau troi” ra sao sau ba thang mo rong? - Hinh anh 1
 Bay quốc tế tăng trưởng đều từ khi "mở cửa bầu trời".

Những thông số đáng mừng

Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Việt Nam đã chính thức mở lại các đường bay quốc tế. Tính đến nay, đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được phục hồi. Dự báo trong thời gian tới sẽ còn nhiều quốc gia khác trên thế giới nối lại đường bay quốc tế với nước ta. Đây là những thông số rất đáng  kỳ vọng của ngành hàng không trong năm 2022.

Vậy sau 3 tháng “mở cửa bầu trời”, bay quốc tế có gì đặc biệt? Thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các thị trường đã được khai thác thường lệ trong tháng 1/2022 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), các đường bay đến Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga được khai thác với tần suất tăng dần theo lộ trình ngay trong tháng 2/2022 và triển khai tới các hãng hàng không việc mở cửa hoàn toàn sau ngày 15/3/2022.

Tính đến tháng 3/2022 thị trường hàng không quốc tế có 20 hãng hãng không nước ngoài và 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airaways tham gia khai thác đi/đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.           Trong đó, Singapore là quốc gia có hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất 45 chuyến khứ hồi/tuần tăng 2 chuyến so với tuần trước khi mở cửa du lịch và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là quốc gia có số khách vận chuyển cao nhất trong số các quốc gia hiện đang khai thác. Tổng lượng hành khách vận chuyển giữa Việt Nam và “đất nước mặt trời mọc” lên tới 10,3 nghìn khách (đạt 18,1%/tổng khách vận chuyển).

Riêng đường bay tới Nga vừa tạm dừng khai thác do ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Nhà chức trách hàng không Nga để thông báo cụ thể về nội dung này và sẵn sàng cấp phép khai thác cho các hãng hàng không Nga khai thác đến Việt Nam khi có đề nghị.

“Canh cua bau troi” ra sao sau ba thang mo rong? - Hinh anh 2
 Lượng khách bay quốc tế tăng trưởng tốt trong 3 tháng qua.

Lượng khách bay quốc tế tăng trưởng tốt

Không chỉ các đường bay quốc tế phục hồi tốt mà lượng hành khách quốc tế thông qua các cảng hàng không Việt Nam từ khi “mở cửa bầu trời” cũng có sự tăng trưởng đáng kể.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 321 nghìn khách, tăng tới hơn 176% so với cùng kỳ 2021; hàng hóa quốc tế thông qua đạt 292 nghìn tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ.

Riêng các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển trên 141 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 441% so với cùng kỳ 2021 (chiếm 44% thị phần); vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 38 nghìn tấn, tăng hơn 113% so với cùng kỳ.

Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không Việt Nam khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Điều này bắt nguồn từ việc từ ngày 15/3 Việt Nam đã gỡ bỏ nhiều rào cản, hạn chế với khách quốc tế nhập cảnh, điều này đã tạo điều kiện cho khách quốc tế đi lại, góp phần tăng sản lượng khách và hàng hoá.

Bên cạnh đó, từ tháng 4/2022 với việc sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đến Đà Nẵng cũng là một nguyên nhân thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không tăng lên. “Cứ với đà phát triển như hiện tại, triển vọng phục hồi của hàng không Việt Nam ngay trong năm 2022 là rất sáng sủa” – một chuyên gia hàng không nhận định.

“Canh cua bau troi” ra sao sau ba thang mo rong? - Hinh anh 3
 Áp lực từ giá nhiên liệu tăng cao đang trở thành thách thức lớn cho sự phục hồi của hàng không.

Vẫn còn thác thức lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ bay quốc tế thì hàng không cũng đang đối mặt cũng không nhỏ. Đầu tiên là sự sụt giảm lượng hành khách quốc nội. Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tới tháng 3/2022, thị trường nội địa có 6 hãng hàng không khai thác trung bình từ 55 - 60 đường bay.

Lượng khách nội địa trong 3 tháng đầu năm đạt khoảng 13 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 98 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ.

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến lượng khách quốc nội giảm là do giai đoạn trước Tết Nguyên đán dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giám sát y tế chặt chẽ với khách từ tỉnh thành khác tới. Điều này đã hạn chế khách đi lại. Khi các quy định này được gỡ bỏ những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu khách đi lại mới khôi phục dần.

Một thách thức lớn khác đối với đà phục hồi của hàng không Việt Nam là giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua. Mặc dù những ngày gần đây, giá dầu thô trên thế giới đã “hạ nhiệt” nhưng xăng dầu trong nước vẫn đang treo ở mức cao ngất ngưởng. Điều này đã tạo áp lực tăng chi phí cho các hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không.

Đặc biệt, trước sức ép từ giá xăng dầu tăng cao, một số hãng hàng không đã có động thái tăng giá vé thông qua việc đề nghị tăng trần giá vé máy bay và áp dụng phụ thu phí nhiên liệu. Đáng nói là cả 2 đề xuất này đều hướng tới thị trường bay nội địa. Các chuyên gia cho rằng, nếu 2 “yêu sách” trên được chấp thuận, lượng hành khách bay nội địa sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.

“Đành rằng bay quốc tế sẽ là nguồn lực chính để hàng không phục hồi nhưng bay nội địa lại mang đến tính ổn định, bền vững cho ngành hàng không. Nếu quá chú trọng tới bay quốc tế mà coi nhẹ bay nội địa, các hãng hàng không hoàn toàn có thể phải nhận lấy những hệ lụy xấu” – một chuyên gia hàng không nhận định.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh du lịch mở cửa, lượng khách quốc tế sẽ đổ dồn vào Việt Nam trong thời gian tới mà lại tăng giá vé máy bay quốc nội (thông qua việc tăng trần giá vé và áp dụng phụ thu phí nhiên liệu), các  hãng hàng không dễ đánh mất thiện cảm từ hành khách quốc nội.

“Nên nhớ, khi bay quốc tế chưa được nối lại, chính hành khách quốc nội là những người đã góp phần không nhỏ giúp các hãng hàng không đứng vững trước cơn bão Covid-19. Giờ bay quốc tế vừa nối lại đã quay ra đòi tăng giá vé bay nội địa là không công bằng với người dân trong nước” – chuyên gia này nhận định.

Mặc dù hiện nay đường bay quốc tế đã nối lại với 20 quốc gia trên thế giới nhưng so với giai đoạn năm 2019 khi dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện, vẫn còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ. Các hãng hàng không hiện khai thác 67 đường bay đi, đến Việt Nam.


Tin liên quan