Chạy đua về đích
Theo kế hoạch, cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được thông xe vào đúng dịp 2/9 sắp tới. Đây là hai dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tính đến thời điểm này đã có 6/11 dự án thành phần của dự án với tổng chiều dài 425km đã hoàn thành. Còn lại 5 dự án thành phần chưa thông xe, trong đó cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ chính thức về đích trong ít ngày tới. Cao tốc QL45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến là 43,28km, đi qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án thành phần này tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp (từ XL1 đến XL3), điểm đầu thuộc địa phận xã Tân Phúc, huyện Nông Cống nối tiếp dự án Mai Sơn - QL45, điểm cuối thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn tiếp giáp với đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
|
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chạy nước rút trước ngày thông xe .Ảnh: Sỹ Hòa. |
Theo hồ sơ thiết kế, trên tuyến QL45 - Nghi Sơn có tổng cộng 18 cây cầu và 2 nút giao ra, vào cao tốc được bố trí tại xã Vạn Thiện (huyện Nông Cống) và xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn). Trong giai đoạn đầu, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí điểm dừng. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32m, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h.
Dự án này sẽ kết nối với cao tốc Mai Sơn - QL45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc (Nông Cống). Hiện 9,5km từ nút giao Đông Xuân đi Tân Phúc thuộc đoạn cuối cao tốc Mai Sơn - QL45 sắp hoàn thành, sẽ khai thác từ 2/9.
Theo Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện tại, cao tốc QL45 - Nghi Sơn lũy kế sản lượng đạt 86% giá trị các hợp đồng. Hiện, các nhà thầu đang tiến hành thảm 3 lớp bê tông nhựa nền đường.
Đại diện Ban Điều hành dự án cho biết, với nhiệm vụ thông tuyến chính vào ngày 2/9, Ban điều hành dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch thi công theo từng giờ, từng ngày để không bị trễ hẹn và phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch của Bộ GTVT đề ra.
Bên cạnh đó, các nhà thầu đã huy động và triển khai đủ mũi thi công theo kế hoạch, dự kiến ngày 28/8 xong toàn bộ hạng mục lắp đặt hệ thống biển báo, hộ lan, hàng rào và tiếp tục thi công hoàn thiện hệ thống đường gom.
Tương tự, công tác thi công tại cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đang trong những công đoạn cuối. Với tổng chiều dài 50km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5km và Nghệ An 43,5km.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chính là đoạn nối tiếp giữa cao tốc QL45 - Nghi Sơn các đoạn tuyến khác của cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở khu vực miền Trung và phía Nam. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng.
Theo đại diện Bộ GTVT, khối lượng thi công trên tuyến đạt khoảng 93%, các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thiết bị để thông xe vào dịp 2/9. Đại diện Ban điều hành dự án cho biết, đến nay, các nhà thầu đã thảm bê tông nhựa 3 lớp được 48/50km, hết tuần này sẽ hoàn thành công tác thảm. Với những đoạn đã thảm xong, nhà thầu đang cho lắp đặt dải phân cách giữa, sơn đường và làm hộ lan, biển báo.
Để bảo đảm tiến độ thông xe tuyến chính vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới, Ban quản lý dự án cùng nhà thầu, tư vấn đang dốc toàn lực, làm cả ngày lẫn đêm, hoàn thiện các hạng mục còn lại trước ngày thông xe. Riêng một số vị trí đường gom, đơn vị xin hoàn thành trong tháng 9/2023.
Trong những ngày cuối tháng 8 này, không khí lao động khẩn trương, sôi nổi đã lan tỏa trên khắp công trường hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Tất cả đều hướng tới mục tiêu bảo đảm dự án thông xe đúng ngày Quốc khánh 2/9.
Dù hiện khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng phần lớn lại là những việc cần sự tỉ mẩn, chi tiết như dựng dải phân cách, gia cố mái taluy, đóng cọc hàng rào bảo vệ, hàng rào hộ lan, lắp đường ống điện, cấp thoát nước… nên tất cả các công nhân, kĩ sư đều làm việc hết sức tập trung. Mục tiêu đưa ra không chỉ là bảo đảm tiến độ công việc mà còn phải bảo đảm chất lượng công trình để dự án đưa vào khai thác trong tình trạng tốt nhất.
“Thay da đổi thịt” cho “khúc ruột miền Trung”
Từ trước đến nay, ngoài miền núi phía Bắc thì giao thông khu vực miền Trung vẫn luôn được coi là một trong những nơi khó khăn và hạn chế nhất. Với đặc trưng địa hình kéo dài, hẹp ngang lại liên tục bị chia cắt bởi địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng, thêm vào đó, đặc điểm thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều bão lũ cũng là một trong những nguyên nhân khiến mạng lưới giao thông khu vực miền Trung nước ta còn nhiều hạn chế và khó khăn.
Tuy nhiên, sự có mặt của “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ mang tới một cuộc cách mạng thật sự cho hạ tầng giao thông của "khúc ruột miền Trung”. Hai đoạn tuyến QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe trong ít ngày tới sẽ hợp với cao tốc Mai Sơn - QL45 trước đó, hình hài tuyến cao tốc Bắc - Nam dọc miền Trung đang dần thành hình theo đúng kế hoạch Chính phủ giao cho Bộ GTVT cũng như sự mong mỏi của người dân khu vực miền Trung.
Dù là tuyến cao tốc chạy theo trục dọc nhưng cao tốc Bắc – Nam chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể tính kết nối của mạng lưới giao thông miền Trung, đặc biệt kết nối theo chiều ngang Đông - Tây vốn đang là điểm yếu của hạ tầng giao thông miền Trung. Đơn cử như cao tốc QL45 – Nghi Sơn, từ nút giao Vạn Thiện (thuộc gói thầu XL2), các phương tiện có thể dễ dàng đi từ cao tốc này ra QL45 rồi từ đó thẳng về TP Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, từ QL45, người dân có thể xuống khu du lịch biển nổi tiếng Sầm Sơn hay đến bờ biển Tiên Trang còn sơ khai đậm chất làng chài ở huyện Quảng Xương. Hay như cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, sau khi đi qua cầu vượt hồ Yên Mỹ, đến nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành, phương tiện có thể xuống tại nút giao lưu thông trên đường Nghi Sơn - Bãi Trành về hướng Đông để xuống Khu kinh tế Nghi Sơn - nơi có nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và hệ thống cảng biển logistics.
Bộ GTVT cũng đưa ra quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193km lên 1.390km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ "có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại", thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Theo các chuyên gia, trong 5 năm tới khi thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP Cần Thơ, các tỉnh miền Trung sẽ có thêm khoảng 700km đường cao tốc, biến cao tốc Bắc - Nam trở thành tuyến hạ tầng động lực, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.
Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung trở thành khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất nước. Cao tốc Bắc - Nam sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ mạng lưới sân bay tại miền Trung, và các sân bay đang được đề xuất đưa vào quy hoạch, đầu tư. Với vai trò là hành lang xương sống của cả nước, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, trong đó, 14 tỉnh miền Trung.
Miền Trung trong những năm gần đây đã và đang từng bước "thay da đổi thịt" nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân nơi đây. Với việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong tương lai gần, đây sẽ đòn bẩy thực sự thúc đẩy kinh tế miền Trung đột phá.