|
Ảnh: Quang Hải |
Dòng tin và hình ảnh đầu tiên về những hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi nguồn từ một tài xế thường xuyên đi về trên tuyến đường này. Và từ đó, báo chí đồng loạt vào cuộc thì những bất cập, sai phạm vốn đã bị “chôn vùi” dưới lớp bê tông vĩnh cửu kia dần phát lộ.
Nhưng thực chất, người dân sống dọc tuyến cao tốc này, hàng ngày “giám sát” các đơn vị thi công, đã cảnh báo về chất lượng công trình. Đó là câu chuyện lão nông Phạm Tấn Lực (ở xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cảm thấy xót xa khi phát hiện đơn vị thi công dùng đất phong hóa thi công gian dối nên đã theo dõi thông tin, thu thập chứng cứ để tố cáo. Và kết cục là ông Lực từng bị dọa giết.
Về hư hỏng trên mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, người dân cho biết ổ gà, ổ trâu đã xuất hiện nhiều lần và cũng được vá nhiều lần, nhưng vá xong lại hỏng. Bằng chứng, ông Lê Hữu Thảo (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ở sát cao tốc, cho biết những hư hỏng tại km45 trên cao tốc này đã xảy ra nhiều lần, chứ không phải hiện nay mới xuất hiện. Đơn vị thi công sửa rồi lại hỏng…
Một dự án cao tốc có tổng vốn đầu tư đến 34.500 tỷ đồng nhưng mới đưa vào khai thác hơn một năm đã hư hỏng, là có vấn đề. Ấy vậy mà lãnh đạo Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn trả lời rằng mặt đường hư hỏng do trời mưa nhiều. Cách trả lời ấy dân nghe không thỏa đáng, huống gì người có chuyên môn.
Lẽ dĩ nhiên, cách trả lời “sơ suất” kia đã được ông Trần Văn Tám - Tổng giám đốc VEC (Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - chủ đầu tư dự án) đính chính.
Khi sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm, chủ đầu tư, nhà thầu có vẻ như cuống cuồng lên rồi vá víu ổ gà, ổ trâu theo cách “chữa cháy”. Nhưng càng chữa thì càng “cháy” vì vật liệu sửa chữa không tương thích, vừa vá lại hỏng. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đi kiểm tra thực trạng đã thốt lên rằng: “Thế này thì có vấn đề thật rồi!”.
Rốt cuộc, mặt đường cao tốc đã phải cào lên làm lại, nhiều đoạn dài hàng trăm mét. Và kết luận kiểm tra công tác sửa chữa hư hỏng là “cơ bản đạt yêu cầu”. Còn đạt như thế nào thì thời gian sẽ có câu trả lời!
Từ những hư hỏng trên đã đặt ra trong dư luận câu hỏi liệu chăng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bị “bớt xén” trong quá trình thi công và chất lượng công trình kém? Báo chí, trong đó có báo Kinh tế & Đô thị, đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh rằng cao tốc 34.500 tỷ đồng đã bị các nhà thầu “bớt xén” trong quá trình thi công.
Đó là việc nhà thầu Posco (Hàn Quốc) đã bán sang tay toàn bộ gói thầu A5 (đoạn từ Km124+700 đến Km139+204, thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi) giá trị 1.400 tỷ đồng cho 18 nhà thầu phụ để kiếm tiền chênh lệch. Việc làm của Posco theo các luật sư là có nhiều sai phạm cần được xử lý.
Đó là Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Thành bị tố cáo có các hành vi “vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý dự án, vi phạm quy chế tổ chức hoạt động, vi phạm nghiêm trọng tư cách đạo đức của đảng viên…”. Cuối năm 2017, VEC nhận được đơn tố cáo nặc danh này và đã có kết quả xác minh. Nhiều sai phạm về chất lượng công trình theo đơn tố cáo đã được xác minh nhưng bị ém nhẹm. Đó là chưa kể nhiều “gian dối” khác trong quá trình thi công ở những đoạn tuyến trên cao tốc này đã được báo chí phản ánh…
Nói theo lời ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, với cái giá 34.500 tỷ mà cao tốc mới đưa vào khai thác đã hư hỏng thì tất cả mọi người dân đều không chấp nhận được. Bộ GTVT đã thể hiện sự quyết liệt bước đầu nhưng thiết nghĩ cần một cuộc thanh tra toàn diện cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bộ GTVT đã quyết định thanh tra đột xuất công tác quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Người dân chắc chắn mong muốn Bộ GTVT phải làm cho tới và chờ đợi câu trả lời thỏa đáng!
Nên nhớ, vá mặt đường thì dễ nhưng vá niềm tin nơi người dân sẽ vô cùng khó!