Cầu bộ hành hay địa điểm ăn chơi, xả rác công cộng?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tình trạng cầu cho người đi bộ qua đường bị chiếm dụng không còn là câu chuyện mới. Đặc biệt, trong thời điểm Hà Nội nắng nóng cao độ như hiện nay, việc nhiều người biến cầu bộ hành thành địa điểm hóng mát, tụ tập ăn uống, thậm chính kinh doanh công khai khiến hình ảnh đô thị trở nên xấu xí, gây mất vệ sinh môi trường cũng như ảnh hưởng trật tự an ninh khu vực.

Cau bo hanh hay dia diem an choi, xa rac cong cong? - Hinh anh 1
Cầu bộ hành gần cổng Học viện An ninh trở thành điểm tụ tập mỗi tối 

Cầu bộ hành được xây dựng nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu đi lại cho người đi bộ, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Thế nhưng, nhiều cây cầu sau một thời gian đi vào hoạt động, người đi bộ qua cầu không thấy đâu, người tụ tập ăn uống, chụp ảnh, buôn bán trên cầu lại ngày càng đông đúc. 

Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ 2015, cầu vượt bộ hành tại khu vực Học viện An ninh Nhân dân (phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã trở thành giải pháp hữu hiệu cho hàng ngàn lượt đi bộ của cán bộ, sinh viên, người dân khu vực trong giờ cao điểm. Vậy mà, hình ảnh quen thuộc nhất trong mắt người dân khi nhắc đến cây cầu này lại là mỗi tối, nhiều tốp thanh niên ngồi tụ tập, mang cả đồ ăn, đồ uống lên cầu liên hoan, nói chuyện rôm rả. Vào những ngày cuối tuần, cuộc vui có thể diễn ra từ 7, 8 giờ tối đến tận sáng sớm hôm sau. Đôi khi cầu bộ hành lại gánh những hình ảnh xấu xí khi túi giấy, chai lọ, tàn thuốc… bị những cá nhân vô ý thức bỏ lại. 
 
Khi được hỏi về việc tụ tập trên cầu trái quy định, nhiều người đồng ý kiến rằng: Thấy người khác tập trung ở đây được nên cũng đến theo. Ở cầu này còn có người buôn bán ăn uống công khai, cho thuê chiếu nên mọi người đã quen với việc cầu trở thành điểm tụ tập, coi đây là một lẽ dĩ nhiên.

Cau bo hanh hay dia diem an choi, xa rac cong cong? - Hinh anh 2
Hình ảnh xấu xí sau những buổi tụ tập, ăn uống trên cầu 

Không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, mất trật tự an ninh, việc chiếm dụng cầu đi bộ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình giao thông. Người muốn đi bộ qua cầu nhưng lại ái ngại , chọn cách đi tắt qua đường, dễ gây tai nạn giao thông và cản trở lưu thông của các phương tiện khác.

Bạn N.A.T, sinh viên đại học Kiến Trúc chia sẻ: “Mình rất ngại lên cầu đi bộ buổi tối vì mọi người ngồi quá đông, có hôm chiếm hết cả đường đi. Thành ra có cầu đi bộ nhưng mình vẫn tự băng qua đường cho tiện”.

Cau bo hanh hay dia diem an choi, xa rac cong cong? - Hinh anh 3
 

Lý giải cho việc sử dụng không hiệu quả cầu bộ hành, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là người dân vẫn quen đi tắt qua đường. Thiết kế cầu chưa hợp lý, bậc thang cao, địa điểm xây dựng cầu kém thuận tiện hay vấn đề an ninh chưa đảm bảo cũng khiến người đi bộ không mặn mà với cầu bộ hành. Điều này tạo điều kiện để các đối tượng xâm phạm, chiếm dụng không gian cầu bộ hành cho các mục đích cá nhân.

Trong điều kiện giao thông hiện nay, cầu bộ hành là một trong những giải pháp cần thiết và hữu hiệu, song  để phát  huy tối đa hiệu quả của chúng, cần có công tác quản lý chặt chẽ, đồng thời nâng cao ý thức người dân để giảm thiểu tình trạng chiếm dụng sai quy định như hiện nay. Bài toán cũ, nhưng cần có sự can thiệp triệt để, nghiêm khắc của cơ quan chức năng và chính quyền sở tại để dứt điểm tình trạng này.

Diệu Thanh

Tin liên quan