Chỉ được xử lý sau 1 năm: Hàng vạn xe vô chủ trở thành sắt vụn

 
Chia sẻ

Tại sao số lượng phương tiện bị tạm giữ ngày càng gia tăng và trở nên quá tải? Thời gian chờ quá dài, xe hư hỏng, khi đấu giá đã thành sắt vụn, chưa kể lãng phí lớn tiền kho bãi. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do các quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Công an mới đây có đề xuất: quá 30 ngày chủ phương tiện bị tạm giữ không đến nhận thì tịch thu, bán đấu giá. Đề xuất này rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm giao thông bị bỏ lại, từ 1 năm xuống còn 1 tháng.

Vì lâu nay thời gian chờ quá dài, xe hư hỏng, khi đấu giá đã thành sắt vụn, chưa kể lãng phí lớn tiền kho bãi. Nếu đề xuất này khả thi, thì những vẫn đề nào sẽ đặt ra?

Chi duoc xu ly sau 1 nam: Hang van xe vo chu tro thanh sat vun   - Hinh anh 1
Một bãi xe vi phạm tại TP HCM. Ảnh: Pháp luật VN

Từ năm 2013 đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện. Tính đến tháng 9/2019, còn tồn đọng gần 137 nghìn phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được. Đây là thông tin được Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cung cấp cho VOV Giao thông.

Trung tá Vũ Anh Điệp nhấn mạnh, việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Hơn nữa, việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong khi, hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tạm giữ, bảo quản.

“Hầu hết các đơn vị tại Công an các địa phương đều tận dụng trụ sở cơ quan để thực hiện công tác bảo quản phương tiện vi phạm hành chính hoặc sử dụng nơi tạm giữ chung của nhiều đơn vị, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt, nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi làm nơi tạm giữ. Tại nhiều địa phương, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện an toàn, dễ dẫn đến tình trạng cháy, nổ”.

Từ thực tế này, Bộ Công an đã có đề xuất rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan, trong đó, sửa đổi Khoản 1 Điều 74 theo hướng: Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ người dân:

“Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương rút ngắn thời gian xử lý, trách nhiệm của người chủ xe là phải lo sớm đến nhận phương tiện của mình về nên điều này là hợp lý”

“Mặt tốt của quy định này là giảm được thời gian lưu kho bãi nhưng nhiều trường hợp người dân vướng bận, hay đơn giản là chưa xếp đủ tiền để đến đóng phạt thì thời gian 30 ngày là quá ngắn nên tôi thấy cần xem xét lại”.

Chi duoc xu ly sau 1 nam: Hang van xe vo chu tro thanh sat vun   - Hinh anh 2
Tại bãi trông giữ xe vi phạm của Hà Nội hiện đang có hàng ngàn chiếc xe máy cùng nhiều chiếc ô tô, xe khách và xe ba gác bị tạm giữ nhiều năm nhưng chưa thấy chủ nhân đến nhận. Ảnh: Gia đình và xã hội

Thực tế qua công tác kiểm tra, giám sát tại nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nhiều tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra trong việc xử lý số lượng xe vi phạm tồn đọng trong các bãi tạm giữ hiện nay.

Trong đó, theo quy định hiện nay, sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận, một năm sau mới làm thủ tục thanh lý. Tiếp đó, lực lượng công an địa phương phải hoàn thiện thủ tục xác minh, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh (thành phố) để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Với quy trình, thủ tục như vậy có khi phải mất tới 2 năm. Trong thời gian đó thì rất nhiều xe đã biến thành sắt vụn.

Mặt khác, Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, nếu người vi phạm giao thông nộp phạt để lấy xe về thì chỉ trong vòng vài ngày là họ tới lấy. Còn lại đa số những trường hợp quá 1 tháng thì phần lớn họ muốn bỏ xe. Vì thế, quy định hiện hành về việc tạm giữ phương tiện đã bộc lộ bất cập, cần xem xét sửa đổi.

“Nếu thực sự họ đã bỏ rồi thì cần quy định một thời gian ngắn hơn giúp việc giải tỏa nhanh hơn. Cũng phải xem xét, tính toán bởi nếu rút ngắn quá sẽ ảnh hưởng tới quyền của người dân. Phải có một thời hạn đủ để thông tin trên phương tiện đại chúng đến chủ sở hữu phương tiện, đảm bảo quyền sở hữu tài sản của công dân”. 

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, quyền sở hữu tài sản của người dân là quyền thiêng liêng được pháp luật bảo vệ nhưng trong thực tế, do đặc thù phương tiện vi phạm giao thông bị bỏ lại quá nhiều nên việc điều chỉnh rút ngắn thời gian xử lý đối với xe vi phạm giao thông bị bỏ lại là hợp lý. Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian, thủ tục thanh lý xe vi phạm, cần tính tới những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng khiến người vi phạm không thể giải quyết thủ tục đúng thời hạn:

“Quá trình điều chỉnh, chúng ta phải căn cứ vào thực tế của từng trường hợp như trường hợp ốm đau, bệnh tật hoặc vì lý do bất khả kháng mà họ không đến được thì chúng ta cần cho họ cơ hội để họ giải trình những lý do bất khả kháng của mình và tùy theo từng trường hợp để gia hạn thời gian. Còn với những trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt thì hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian xử lý”.

Nhất sự bất tín

Tình trạng phương tiện ô tô, xe máy nằm dãi nắng dầm mưa trong một khoảng thời gian rất dài mà không ai đến nộp phạt để nhận lại đã được đề cập từ nhiều năm qua. Tại sao số lượng phương tiện bị tạm giữ ngày càng gia tăng và trở nên quá tải? Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ nằm ở một nguyên do là các quy định của pháp luật hiện hành.

Chi duoc xu ly sau 1 nam: Hang van xe vo chu tro thanh sat vun   - Hinh anh 3
Hàng ngàn phương tiện ô tô, xe máy nằm dãi nắng dầm mưa trong một khoảng thời gian rất dài mà không ai đến nộp phạt để nhận lại. Ảnh: Tiền Phong

Chuyện người vi phạm giao thông “bỏ của chạy lấy người” không hề mới. Từ  cách đây cả chục năm, khi VOVGT bắt đầu phát sóng, vấn đề này đã được đề cập trên fm91, với rất nhiều những ý kiến bày tỏ sự sốt sắng, bức xúc trước tình trạng lãng phí lớn cho xã hội, làm gia tăng áp lực nhiệm vụ cho lực lượng chức năng, cùng nhiều nguy cơ khác. Và khi đó, người ta cũng đã nêu ra yêu cầu cấp thiết, cần phải sửa đổi quy định để việc xử lý xe vi phạm được nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chục năm sau, câu chuyện đó lại được đưa ra bàn trong trạng thái chưa có gì mới, đó là một điều lạ.

Hàng vạn xe vi phạm ở mỗi thành phố trở thành bãi sắt vụn khổng lồ, sau cả năm trời phơi nắng phơi sương, xe mới xe tốt cũng thành đồng nát. Số phương tiện được xác định có liên quan đến những vụ việc về an ninh trật tự không nhiều. Các bãi trông giữ không còn khả năng nhận thêm, không thu được phí, trong khi với các mức phạt tăng nặng gần đây, lượng xe “vô chủ” đang tăng lên theo cấp số nhân. Bất cập này, ai cũng nhìn thấy rõ.

Việc xúc tiến xây dựng một quy định mới, rút ngắn thời gian xử lý những xe bị bỏ lại kiểu này là rất cần thiết, và nhẽ ra nó phải được thực hiện từ nhiều năm về trước chứ không phải đợi đến bây giờ.

Tuy nhiên, ngay cả khi ban hành được quy định về rút gọn quy trình xử lý, thì không ngoại trừ khả năng khâu đấu giá thanh lý cũng sẽ gặp quá tải, với số lượng phương tiện bị bỏ lại đang tăng theo cấp số nhân.

Vì sao người vi phạm giao thông lại lựa chọn cách bỏ lại phương tiện?

Xe tang vật trong một số vụ việc về an ninh trật tự, đương nhiên chủ xe chẳng dại gì quay lại để “lạy ông tôi ở bụi này”.

Xe giá trị thấp, trong khi tiền nộp phạt vi phạm cộng với tiền lưu khó bãi lại rất cao, chưa kể phải đi lại nhiều lần, giải quyết nhiều thủ tục để được lấy xe ra, nhiều người chấp nhận bỏ xe cho nhanh gọn. Và số xe “vô chủ” nhóm này sẽ tăng nhanh, khi triển khai Nghị định 100 của Chính phủ với các mức phạt nặng gấp nhiều lần trước đó.

Nhưng ngay cả những xe còn khá mới, không phải tang vật, có đầy đủ giấy tờ, mà chủ nhân của nó vẫn thờ ơ với việc nhận lại, thì lý do nằm ở đâu?

Hãy nhìn từ các bãi trông giữ xe vi phạm, sẽ thấy hé lộ một phần nguyên nhân. Không mái che, không có gì bảo vệ. Xe mới hay cũ đều như nhau, dãi dầu mưa nắng. Chỉ một tuần nằm bãi, chủ xe không còn tự tin rằng, phương tiện của mình còn có thể vận hành bình thường hay không.

Công tác trông nom, bảo vệ những bãi xe “lộ thiên” kiểu này cũng khá sơ sài. Không ai dám chắc, những linh kiện quan trọng, đáng giá nhất của xe có còn nguyên, hay đã bị “luộc”. Cho dù điều này được cho là nhạy cảm khi nói ra, nhưng đó là một thực tế trong ý nghĩ của những người có xe bị tạm giữ.

Còn với những xe thuộc diện không “chính chủ” do mua bán trao tay, không giấy tờ, hoặc có nhưng không sang tên đổi chủ, việc nhận lại phương tiện sau khi nộp phạt hẳn không đơn giản. Người ta lại càng có lý do để phó mặc cho cơ quan chức năng.

Quy mô khổng lồ của những bãi xe “vô chủ” trong suốt nhiều năm qua, phần nào cho thấy, việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe vẫn chưa phải là mối quan tâm của người sở hữu phương tiện, nhất là đối với xe 2 bánh.

Nó cũng cho thấy, niềm tin của chủ xe vào độ an toàn của những bãi trông giữ, vào việc giám sát hoạt động của những bãi xe này là chưa cao.

Nó còn cho thấy, các thủ tục hành chính sau vi phạm, va chạm giao thông vẫn là nỗi e ngại đối với rất nhiều người.

Bởi vậy, nếu không lưu tâm giải quyết những bất cập nêu trên mà chỉ ban hành quy định mới rút gọn thời gian thanh lý đấu giá xe vô chủ, thì coi như, mới chỉ giải quyết phần ngọn. Sự tốn kém, lãng phí sẽ còn tiếp tục tăng lên cùng với tốc độ “phình” ra của những bãi xe vô chủ. Mà hậu quả cuối cùng, không đơn giản chỉ là sự lãng phí.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan