Thời gian gần đây, các chủ gara thường xuyên nhận điện thoại nhờ tư vấn, "bắt bệnh" xe online.
|
Điện thoại lúc nào cũng “nóng”
Theo tìm hiểu, một số trạm sửa chữa, bảo dưỡng của nhiều hãng xe, gara trên địa bàn TP vẫn duy trì một số lượng nhỏ nhân viên kỹ thuật làm việc nhằm đảm bảo về mặt kỹ thuật cho những xe đến hạn bảo dưỡng, đăng kiểm và tiếp nhận xe cứu hộ, tai nạn. Việc cứu hộ không bị hạn chế trong giai đoạn này nhưng các đơn vị thực hiện phải tuân thủ theo các nguyên tắc phòng, chống dịch.
Giống như các cơ sở khác, gara ô tô của kỹ sư Lê Hồng Đại tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) buộc phải đóng cửa, không tiếp khách. Khoảng 10 thợ sửa xe tại gara được cho nghỉ, đa số đã về quê. Còn 2 - 3 người quê xa, không về được nên ở tại chỗ, chờ ngày được mở cửa trở lại. Dẫu vậy, trong khoảng thời gian này, anh Đại không được nghỉ ngơi, điện thoại của anh luôn "nóng", thường xuyên được cánh lái xe nhờ “bắt bệnh”, khám xe online của anh em, bạn bè và cả những khách lạ.
“Giãn cách xã hội nhưng nhiều đơn vị và cá nhân vẫn phải đi làm và sử dụng xe, không tránh khỏi có lúc trục trặc, hỏng hóc… Mỗi ngày, tôi phải nhận đến hai chục cuộc điện thoại, chủ yếu hỏi liên quan đến xe khó khởi động, các lỗi của điều hoà và nhiều nhất là liên quan đến ắc quy. Có người còn đỗ xe trước cửa vì tưởng gara vẫn mở” - kỹ sư Đại chia sẻ.
Tương tự, anh Lương Minh Chí - chủ một trung tâm sửa chữa, chăm sóc xe ô tô tại khu vực phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) cũng liên tục “nóng máy” dù gara đang phải đóng cửa. Mỗi ngày, anh Hưng cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, ảnh, video tình trạng xe của khách hàng qua Zalo, Messenger... để nhờ anh “bắt bệnh”.
“Gần gara của tôi có nhiều bãi gửi xe, thỉnh thoảng lại có người nhờ sang “xem xe” giúp, phổ biến nhất là xe không khởi động được do thùng nhiên liệu bị gỉ sét, hết ắc quy, thủng lốp, xịt hơi, phanh bị kẹt... Ban đầu tôi chỉ tư vấn và không đến giúp nhưng nhiều khi vì nghĩ họ đang rất cần, không thể tự xoay sở được, nếu mình không đi cảm thấy rất áy náy nên lại đến tận nơi khắc phục giúp” - anh Chí nói.
Ngành nghề cần xem xét
Trên thực tế, có những thời điểm mà anh Đại không thể ngồi yên, đó là một số trường hợp nhiều ô tô làm nhiệm vụ chống dịch như xe của lực lượng công an hay các đội nhóm xe vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến vùng cách ly không may bị hỏng hóc, cần sửa chữa gấp.
“Với những xe làm nhiệm vụ bị hỏng hóc, tôi vẫn tiếp nhận và sửa giúp vì thấy trách nhiệm của mình góp công sức nhỏ trong phòng, chống dịch trong. Đồng thời cũng không quên dặn nhân viên tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, không tiếp xúc trực tiếp với người bên ngoài” - anh Đại chia sẻ.
Thời điểm giãn cách xã hội, phương tiện lâu ngày không được sử dụng, đặc biệt là ô tô sẽ dẫn đến phát sinh rủi ro không đáng có.
|
Quá quen với những cuộc gọi nhờ giúp đỡ, thời gian gần đây, anh Lương Minh Chí phân công nhân viên của mình đảm nhận sửa chữa riêng từng xe của lực lượng chức năng, xe chở hàng thiết yếu khi xảy ra hỏng hóc. Anh Chí cũng đảm bảo nhân viên của mình luôn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. "Theo quy định thì sửa chữa ô tô không phải là dịch vụ thiết yếu, thế nên tôi cũng rất ngại khi phải ra đường, chủ yếu chỉ theo hợp đồng cứu hộ đã ký. Khi qua các chốt kiểm dịch, tôi trình bày là đang đi cứu hộ xe ở gần đó thì các đồng chí trực chốt cũng cho qua" - anh Chí chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng nhiều lúc anh Chí gặp khó khăn vì sửa chữa không phải ngành nghề thiết yếu. Thiếu đồ nghề, dụng cụ khi các cửa hàng buôn bán đóng cửa, gây khó khăn khi cứu hộ, sửa chữa nên nhiều lúc cũng chỉ có thể cố xoay sở để chiếc xe có thể đi lại bình thường.
Anh Nguyễn Hoàng Cường (trú tại Lĩnh Nam, quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc sửa chữa, cứu hộ cứu nạn xe rất quan trọng trong thời điểm này, khi nhiều đơn vị, cá nhân vẫn phải đi làm, sử dụng phương tiện để vận chuyển các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó gara sửa chữa lại phải đóng cửa vì không phải dịch vụ thiết yếu là chưa hợp lý. Do đó, nếu các địa phương tiếp tục giãn cách thì nên khoanh vùng cho mở cửa một số gara (chỉ gara sửa chữa chứ không phải rửa xe đánh bóng và hạn chế số lượng), để phục vụ nhu cầu thực tế.