|
Muốn tạo chuyển biến lâu dài trong ý thức chấp hành giao thông của người dân Thủ đô, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TTPBGDPL về trật tự an toàn giao thông. Ảnh tư liệu |
Phối hợp liên ngành với nhiều hoạt động hiệu quả
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP tổ chức 22 hội nghị TTPBGDPL về trật tự ATGT và văn hóa giao thông cho trên 6.500 người tham gia là cán bộ công tác mặt trận, cán bộ làm công tác tuyên giáo, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng các tổ dân phố, khu dân cư, đoàn thanh niên, giáo viên, sinh viên các trường đại học và nhân dân thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Thực hiện việc thông báo phương án tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn TP trên các báo, đài Trung ương và TP; phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội đưa tin, đăng bài về các hoạt động, chương trình tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông; đăng 126 tin bài trên Website của Sở, cung cấp 1.871 thông tin để cảnh báo các sự cố gây mất ATGT, hướng dẫn phân luồng từ xa.
Công an TP đã cung cấp 8.161 tin, bài cho các cơ quan thông tấn, báo chí; xây dựng 500 phóng sự truyền hình, 1.426 bài viết tuyên truyền; tuyên truyền trực tiếp 157 buổi với 87.920 người tham dự; tổ chức tuyên truyền lưu động 13.567 lượt; trưng bày 941 pa-nô ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền; phát 3.298 lượt các bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức ký cam kết 9.216 lượt hộ kinh doanh, buôn bán không lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang ATGT…
Sở Tư pháp TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông với hình thức phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các báo, đài của Trung ương và Hà Nội, trên trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật của TP; trên hệ thống truyền thanh cơ sở; đăng tải 1.231 tin, bài trên trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường tập trung tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hoá giao thông; đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 6 tuổi khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện, phòng, chống ùn tắc giao thông cổng trường.
Tại các địa phương, việc TTPBGDPL về ATGT sát với điều kiện thực tế, gần gũi với từng nhóm người dân hơn.
Như cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức tuyên truyền, trao tặng mũ bảo hiểm cũng như hướng dẫn một số kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho gần 1.000 cán bộ, giáo viên, học sinh tại trường tiểu học Liên Mạc; gần 2.000 học sinh, giáo viên trường THPT Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Tại buổi tuyên truyền, các em được nghe truyền đạt các kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông và việc chấp hành các quy định về TTATGT ở lứa tuổi học đường. Ngoài việc phổ biến các quy định về ATGT đường bộ, các em học sinh được cán bộ tuyên truyền giới thiệu một số biển báo giao thông, cung cấp các kiến thức về kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, qua đó các em được giao lưu, nắm vững thêm các kiến thức pháp luật để tham gia giao thông an toàn hơn.
Với cách truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu, những hình ảnh, clip sinh động, các báo cáo viên đã giúp cho tập thể giáo viên và học sinh của các trường nhận biết được phương tiện, cách xác định các điểm mù giao thông, những kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông. Qua đó, mỗi em học sinh sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực tới gia đình và cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.
|
Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức tuyên truyền, trao tặng mũ bảo hiểm cũng như hướng dẫn một số kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho gần 1.000 cán bộ, giáo viên, học sinh tại trường tiểu học Liên Mạc. Ảnh: CATP Hà Nội |
Với nhóm đối tượng người trưởng thành tham gia giao thông, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, thời gian sau giãn cách xã hội, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của sử dụng thức uống có cồn nên đối tượng vi phạm là thanh, thiếu niên đã giảm hẳn.
Tuy nhiên có một thực tế đặt ra là những người trung niên sử dụng đồ uống có cồn vẫn tham gia lái xe gia tăng. Vì thế, từ nay đến cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát giao TP thông sẽ tiếp tục duy trì các tổ công tác tập trung tuyên truyền, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Tạo chuyển biến lâu dài trong ý thức chấp hành giao thông thông qua TTPBGDPL
Ông Phan Văn Miện, người dân tại tổ 14 phường Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết: với bà con trong xóm phần lớn là lao động nghèo, kiến thức về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vi phạm tốc độ trên đường bộ, để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh còn hạn chế. Do đó, việc các lực lượng chức năng kết hợp TTPBGDPL, tuyên truyền về các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông với là việc làm hết sức cần thiết, từ đó người dân cũng có hiểu biết pháp luật hơn để chấp hành giao thông đúng luật.
Đánh giá từ lực lượng chức năng các phường, xã khi xử lý vi phạm trật tự ATGT cho rằng: để có trật tự đô thị, để có văn hóa giao thông thì ý thức của người dân phải là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, công tác TTPBGDPL về ATGT phải thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.
Như tại phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, Công an phường chủ động làm tốt công tác tham mưu Đảng ủy, UBND, BCĐ 197 phường chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn, chủ phương tiện và người lái xe về các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát theo nội dung kế hoạch cao điểm của lực lượng chức năng trên địa bàn quận, góp phần làm chuyển biến về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ hệ thống giao thông đường bộ đối với các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động vận tải hàng hóa.
Mặt khác, phối hợp với các tổ chức chính trị cơ sở tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân (đặc biệt là các hộ gia đình) quản lý, giáo dục con em là thanh, thiếu niên; không để tình trạng điều khiển xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.
Muốn tạo chuyển biến lâu dài trong ý thức chấp hành giao thông của người dân Thủ đô, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TTPBGDPL về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, để thực sự đi vào chiều sâu, đảm bảo đúng nội dung, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, bảo đảm trật tự ATGT; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện với môi trường cho người dân TP.