Chuyển đổi phương tiện xanh: xe cá nhân là thách thức lớn

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Việc chuyển đổi dần phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch là yêu cầu tất yếu, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hà Nội đã tiên phong trong việc “xanh hóa” phương tiện vận tải công cộng, nhưng lượng xe cá nhân với hơn 9 triệu chiếc mới là thách thức lớn nhất, đòi hỏi TP phải có quyết tâm cao và lộ trình khoa học.

Cần cuộc “cách mạng xanh"

Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện cá nhân, nhưng mới chỉ có khoảng 200 nghìn xe máy điện, vài nghìn ô tô điện. Gần 9 triệu xe cơ giới còn lại đang sử dụng xăng, dầu, là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Hà Nội cũng bị đánh giá là một trong những TP có nguy cơ ô nhiễm không khí cao nhất, nhiều thời điểm khói bụi đạt ngưỡng nguy hại cho sức khỏe con người.

Chuyen doi phuong tien xanh: xe ca nhan la thach thuc lon - Hinh anh 1
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Việt Nam đã cam kết tại COP26, và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 2/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng nhiên liệu sạch. Nhận diện rõ nguy cơ ô nhiễm và xu thế tất yếu xanh hóa phương tiện giao thông, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội đã vạch ra lộ trình từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh; đồng thời TP cũng có lộ trình giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khoảng 20.000 phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sử dụng nhiên liệu xanh là con số quá nhỏ bé so với hàng triệu xe cơ giới cá nhân vẫn đang chạy bằng xăng, dầu, ngày ngày phát thải ra môi trường TP.

Bên cạnh đó, mục tiêu giảm thiểu phương tiện cá nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, Hà Nội cần sớm tính toán lộ trình để xanh hóa cả phương tiện cá nhân, đó mới là cuộc "cách mạng xanh" thực sự với môi trường của TP.

“Mặt khác, xanh hóa và giảm thiểu phương tiện giao thông có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Giảm phương tiện là giảm phát thải, xanh hóa luồng phương tiện; và chuyển đổi sang xe cơ giới nhiên liệu sạch cũng là cách thay đổi thói quen đi lại của người dân, đưa họ đến gần hơn với VTHKCC” - ông Đỗ Cao Phan nói.

Thế nhưng để tiến hành cuộc “cách mạng xanh” phương tiện giao thông không dễ dàng. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Với một TP lớn, đông đúc phương tiện, lại có tập quán sâu sắc, ưa chuộng sử dụng xe cá nhân như Hà Nội, muốn chuyển đổi hay giảm thiểu đều sẽ gặp những trở ngại rất lớn. Trong đó, vấn đề khó giải quyết nhất là thay đổi nhận thức và thói quen của người dân”.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

 

Thực vậy, Hà Nội đã vạch ra lộ trình giảm thiểu xe cá nhân, kiểm soát khí thải xe máy từ nhiều năm trước, nhưng đến nay kết quả còn rất khiêm tốn. Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói: “Nếu xem xét tương quan giữa phương tiện VTHKCC và xe cá nhân có thể thấy, quá trình xanh hóa phương tiện giao thông của Thủ đô còn bất tương xứng, chậm chạp ở nhóm đối tượng đông đảo nhất. Thực tế đó đòi hỏi TP phải có sự quan tâm sâu sát hơn nữa, có giải pháp tích cực hơn nữa để phát triển đều các loại hình phương tiện xanh, thực sự tiến hành một cuộc “cách mạng xanh” trong giao thông”.

Bài toán rất khó

Có thể khẳng định xu thế tất yếu của Hà Nội là phải xanh hóa phương tiện giao thông nhằm bảo đảm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững. Nhưng làm thế nào để thực hiện cuộc "cách mạng xanh" trong lĩnh vực giao thông lại là bài toán rất khó với chính quyền và Nhân dân TP.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, TP vừa được Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có một số vấn đề về môi trường, chuyển đổi năng lượng hóa thạch. HĐND TP cũng đã họp và ban hành quyết định liên quan đến sự cần thiết của đề án phát triển phương tiện xanh; Sở GTVT đang xây dựng đề án thực hiện.

Ông nói: “Chúng ta đã có xe buýt xanh, đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, TP và cả các DN cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô”.

Nhưng đó là với loại hình phương tiện VTHKCC do TP đầu tư, quản lý và vận hành. Việc chuyển đổi nhóm phương tiện này dễ dàng hơn rất nhiều so với hơn 9 triệu phương tiện cơ giới cá nhân. Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Nhiều TP lớn trên thế giới đã bắt đầu vạch ra lộ trình bắt buộc người dân chuyển đổi sang phương tiện cá nhân sử dụng năng lượng sạch. Hà Nội cũng cần lưu tâm đến mục tiêu này, vạch ra một lộ trình phù hợp nhằm phát triển đồng đều các loại hình phương tiện giao thông xanh chứ không chỉ tập trung vào phương tiện VTHKCC”.

Mà muốn làm được như vậy phải giải quyết được hai vấn đề chính: thay đổi nhận thức, ý thức của người dân; và phát triển hạ tầng cho phương tiện xanh.

Có thể nói hiện trạng hạ tầng dành cho xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch khác đang là thách thức lớn nhất đối với cuộc cách mạng xanh giao thông. Hiện ngay cả quy hoạch mạng lưới điện cho phương tiện VTHKCC tại Hà Nội còn chưa có, nguồn nhiên liệu sạch cung cấp cho xe buýt, tàu điện còn eo hẹp chứ chưa nói đến lượng phương tiện cá nhân cao gấp hàng trăm lần.

Trong khi đó hạ tầng dành cho xe sử dụng xăng dầu lại đã được xây dựng, bồi đắp bền vững, phổ biến trong suốt quá trình lịch sử hiện đại. Người dân vẫn ưa chuộng xe máy, ô tô truyền thống vì dễ tìm kiếm các dịch vụ về nhiên liệu, sửa chữa…

Thạc sĩ Phan Trường Thành phân tích: “Rõ ràng là muốn thay đổi thói quen, nhận thức để người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh thì trước hết TP phải có hạ tầng phát triển dành riêng cho loại hình này, đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, giúp xe điện hấp dẫn và tiện lợi hơn”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Hà Nội cần có một bộ chính sách ưu tiên rõ rệt đối với phương tiện xanh mới khuyến khích được người dân quan tâm, sử dụng. Cơ chế, chính sách là nguồn lực quan trọng nhất, cần được chuẩn bị đầu tiên để mở ra con đường cho cuộc "cách mạng xanh" giao thông.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tập trung phát triển VTHKCC xanh cũng là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Khi mạng lưới đường sắt đô thị của TP được hình thành đầy đủ, xe buýt, taxi, xe đạp điện công cộng phổ biến, đủ năng lực phục vụ người dân, TP có thể xem xét hạn chế phương tiện cá nhân ở nhiều khu vực.

Với hơn 7 triệu chiếc xe máy cá nhân đang sử dụng xăng dầu như hiện nay, TP cần sớm có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi. Bởi xe máy dễ dàng chuyển đổi hơn, chi phí thấp hơn và hiệu quả mang lại cho môi trường cao hơn. TP có thể xem xét giảm thuế phí, lắp đặt các trạm sạc công cộng cho xe máy điện… để người dân thuận tiện sử dụng và thấy có lợi hơn so với xe xăng, từ đó tự chuyển đổi.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

 

Minh Tường

Tin liên quan