Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với đại diện WHO tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới.
Cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với đại diện WHO tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế
|
Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.
TS. Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế. Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?
Sau cuộc họp này, nhóm kỹ thuật của WHO đã xây dựng một văn bản hướng dẫn tạm thời để các quốc gia, vùng lãnh thổ cân nhắc trong việc mở cửa lại đường biên, nối lại các đường bay quốc tế. Trong văn bản này, WHO bổ sung thêm 2 căn cứ: Việc mở cửa phải dựa trên năng lực giám sát tại cửa khẩu; chỉ ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế nhấn mạnh rằng: Một quốc gia kiểm soát được dịch bệnh khi trong 30 ngày liên tiếp không có ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng. Theo tiêu chí này, hiện rất ít quốc gia được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh (trừ một số nước quốc đảo và một số nước châu Á)…
Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng.
Đặc biệt, phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;… Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;...
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” đang trở nên hấp dẫn. Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.
Tại Việt Nam, Cục Hàng không cho rằng có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.