Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đường phố Hà Nội vẫn như còn đang chìm sâu trong giấc ngủ sau một đêm Giao thừa rộn ràng, náo nhiệt. Dọc tuyến đường Lê Duẩn, những ngôi nhà san sát đang đóng kín cửa. Xen kẽ vào đó, một vài gia đình đi lễ đầu nămđang rục rịch trở về nhà chuẩn bị mâm cỗ ngày đầu năm...
Những người ăn Tết muộn
Trái ngược với sự tĩnh lặng, yên ả đó, bên trong ga Hà Nội, rất nhiều hành khách đã có mặt với lỉnh kỉnh đồ đạc. Phần lớn họ đã có mặt ở đây từ rất sớm để kịp đón chuyến tàu về ăn Tết với gia đình. Chuyến tàu SE7 sẽ khởi hành đúng vào lúc 6h ngày mùng 1 Tết. Đây là chuyến tàu đầu tiên trong năm mới Kỷ Hợi.
5h30, hành khách đã bắt đầu di chuyển lên tàu. Ai cũng muốn tìm được chỗ ngồi của mình một cách sớm nhất. Và, chỉ vài tiếng nữa thôi, đoàn tàu sẽ đưa họ trở về đoàn tụ với gia đình, cùng đón một cái Tết đầm ấm, yên vui sau một năm miệt mài với công việc, với bao gánh nặng mưu sinh.
Chị Nguyễn Thị Suất (quê ở Bắc Ninh) làm công việc buôn bán ở Hà Nội đã gần chục năm nay. Ban đầu, chị dự định nghỉ sớm, mua vé tàu về quê đón giao thừa với gia đình. Tuy nhiên, một phần vì nhu cầu của khách hàng còn nhiều, phần khác do không kịp mua vé trước Tết, nên chị đành ở lại đón giao thừa ở Hà Nội. Đến sáng sớm mồng 1 Tết, khi đã có trong tay chiếc vé của chuyến tàu sớm, chị mới “khăn gói quả mướp” lên ga Hà Nội, chờ được chở về quê.
“Ngày Tết ai cũng muốn về sớm để đón giao thừa với gia đình. Nhưng vì nhiều lý do, tôi và mọi người ở đây đến bây giờ mới về được. Dù hơi trễ một chút nhưng được về ăn Tết với gia đình như thế này là mừng rồi” - chị Suất nói.
Cùng đi chuyến tàu với chị Suất, anh Nguyễn Tiến Thành (quê ở Hà Nam) lại có một lý do khác. Do bận công việc phải ở lại giải quyết nốt trong đêm giao thừa, anh Thành không còn cách nào khác đành dời lịch về quê sang ngày đầu năm mới. Theo anh Thành, việc ngành đường sắt tổ chức chuyến tàu sớm vào sáng mồng 1 Tết để tạo điều kiện cho những người “ăn Tết muộn” như anh được về đoàn tụ với gia đình là điều rất ý nghĩa và phù hợp.
“Bây giờ đặc thù công việc của nhiều người khác ngày trước lắm. Không phải ai cũng có điều kiện về quê sớm. Việc tổ chức chuyến tàu sớm như thế này có ý nghĩa rất lớn với những người như chúng tôi. Nó có giá trị như một món quà lì xì đầu năm mới vậy” - anh Thành tâm sự.
Chuyến tàu chở cả mùa xuân
Bên cạnh những người vội về quê để ăn Tết, trên chuyến tàu SE7 còn có một số hành khách khá đặc biệt. Họ hiện đang sinh sống ở Hà Nội, vừa được cùng gia đình đón giao thừa. Tuy nhiên, ngay khi ngành đường sắt bán vé cho chuyến tàu đầu tiên trong năm mới, họ liền đặt vé đề bắt đầu cho chuyến du Xuân đầu năm của mình.
Bà Trần Thị Phương là một trong những người như vậy. Dù tuổi tác đã cao nhưng hầu như năm nào bà cũng đi lễ chùa. Năm nay, bà Phương quyết định mua vé tàu về Nam Định đi lễ vào sáng sớm mồng 1 Tết. Chuyến tàu sớm sẽ giúp bà có thêm điều kiện để đi lễ được nhiều nơi hơn. Đặc biệt là việc đi tàu tránh cho những người cao tuổi như bà trải qua sự mệt mỏi do say xe. “Tôi về Nam Định đi lễ đầu năm để cầu phúc, cầu may cho gia đình. Đi tàu như này thoải mái hơn đi ô tô nhiều” - bà Phương nói.
Trong thời gian cao điểm phục vụ hành khách vào dịp cuối năm, những cán bộ, nhân viên ngành đường sắt là những người vất vả nhất. Không ít người trong số họ đã nhiều lần đón giao thừa trên tàu, đón Tết cũng hành khách trên những chuyến đi nối liền từ năm cũ trong năm mới. Thế nhưng, không ai trong số họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường hay có chút bất nhẫn. Họ coi đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ và thậm chí còn là niềm vui, niềm vinh dự của bản thân mình.
Anh Phan Thanh Tùng - Lái tàu SE7 ngay từ lúc lên ngồi khoang lái vẫn luôn luôn nở nụ cười tươi trên môi. Anh bảo ngay từ khi nhận nhiệm vụ lái chuyến tàu khai xuân của ngành đường sắt trong năm mới, anh và những anh em trong gia đình đoàn tàu Thống Nhất ai cũng rất hào hứng và háo hức.
Dù trên thực tế, tâm lý của tất cả mọi người đều mong muốn được đoàn tụ với gia đình trong ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là nhiệm vụ, là trách nhiệm đối với công việc của mình. Và, đi cùng với nhiệm vụ ấy là niềm vui chung với những cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt hòa cùng niềm vui của những hành khách trên tàu. “Được lái chuyến tàu đầu tiên trong năm mới là công việc rất ý nghĩa và vinh dự đối với riêng tôi và với cả anh em trong ngành phục vụ trên chuyến tàu này” - anh Tùng tâm sự.
Năm cũ Mậu Tuất đã đi qua, năm mới Kỷ Hợi đã đến với nhiều niềm vui và kỳ vọng về một mùa xuân mới tràn đầy niềm vui, thành công mới. Chỉ ít ngày nữa thôi, khi kỳ nghỉ Tết qua đi, những cán bộ, nhân viên ngành đường sắt như anh Tùng sẽ lại tất bật với nhiệm vụ mới. Họ sẽ tiếp tục miệt mài trên những chuyến tàu ra Bắc vào Nam. Trong thời khắc đầu tiên của năm mới, chuyến tàu khai xuân mang số hiệu SE7 lăn bánh không chỉ mang đến niềm vui đoàn tụ cho những người xa xứ như anh Thành, chị Suất... mà còn chở theo cả một mùa xuân, mùa vui, mùa hi vọng về một năm mới yên ấm, thành công.
Ngành Đường sắt tổ chức chuyến tàu khai xuân vào sáng sớm mùng 1 Tết mang đến nhiều niềm vui cho hành khách.