Đời tàu an sinh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chuyến tàu đặc biệt với những hành khách đặc biệt gần như cả đời chỉ đi tàu. Ấy vậy nhưng, những hành khách này cũng vơi dần, khiến tàu mỗi ngày lại vắng thêm.

Doi tau an sinh - Hinh anh 1
Hành khách lên tàu ngày một thưa thớt. Ảnh: Quý Nguyễn

Tàu ĐĐ55 chạy từ Hà Nội đi Đồng Đăng (Lạng Sơn) là chuyến tàu “mở hàng” cho ga Long Biên vào mỗi ngày. Đặt chuông báo thức từ 5 giờ 30 phút sáng, tôi vội vã phóng xe ra đường, vừa đi vừa lo ngại sẽ bị chậm giờ tàu chạy. Một phần bởi trong hoài niệm thời thơ bé của tôi, những chuyến tàu bao giờ cũng rời ga rất sớm, hành khách ken đặc sân ga, chen chúc nhau. Phần khác, đã lâu lắm rồi tôi không được trải nghiệm cảm giác đi tàu chợ.

Đương nhiên chuyến tàu tôi sắp đi không phải tàu chợ, mà là tàu an sinh xã hội. Nhưng kể cả như thế, tuyến tàu này cũng mới được khai thác lại chưa lâu. Biết đâu sẽ có nhiều đổi khác.

Thời quá vãng

6 giờ 30, ga Long Biên vẫn còn rất vắng vẻ. Đoàn tàu đã đợi sẵn trên đường ray, hầu hết hành khách xuất phát từ Hà Nội đều đã yên vị trên tàu. Trong phòng bán vé, thưa thớt vài người ngồi đợi nhưng có lẽ họ không phải hành khách trên chuyến tàu này. Đúng 7 giờ 15, tàu bắt đầu lăn bánh.

Ngoài tôi và anh bạn đồng nghiệp, cả toa còn 3 hành khách ngồi ngay ghế đối diện. Hỏi ra mới biết, cả đoàn tàu có 4 toa, trong đó có một toa phát điện kiêm nơi làm việc của Ban phục vụ; một toa hành lý chuyên chở xe và hàng hóa của hành khách và hai toa khách. “Đây là toa ghế mềm điều hòa, thường ít người ngồi. Toa ghế cứng không điều hòa ở phía dưới sẽ có đông khách hơn” – một giọng nói ôn tồn vang lên ngay bên cạnh khi tôi thắc mắc về sự vắng vẻ trên tàu.

Hỏi chuyện mới biết anh là Trần Văn Ba (SN 1981), là nhân viên bảo vệ và phục vụ toa hàng. 37 tuổi nhưng đã có “thâm niên” 13 năm ngược xuôi trên các đoàn tàu, anh Ba là một trong những người trải qua giai đoạn thăng trầm của tuyến tàu Long Biên – Đồng Đăng. “Mọi thứ thay đổi nhiều lắm rồi. Từ sân ga, hành khách, tòa tàu... đều đã khác. Chỉ duy nhất một thứ là đội ngũ cán bộ, nhân viên thì vẫn gần như nguyên vẹn. Anh em chẳng ai muốn rời bỏ công việc này. Có lẽ nó đã là cái nghiệp rồi” – anh Ba nói.

Hồi tưởng lại khoảng thời gian mươi năm trước, anh Ba bảo đó là giai đoạn hoàng kim nhất của ngành đường sắt. Thời điểm đó, tuyến Long Biên – Đồng Đăng lúc nào cũng đông đặc người đi tàu. Khách muốn lên tàu phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí là phải nhờ “cò” để có được một chỗ ngồi trên tàu. Hàng hóa thì chất đầy ú ụ. “Đông khách thì những nhân viên phục vụ tàu là người vất vả nhất. Phải toan lo, quán xuyến rất nhiều việc. Nhưng mệt mà lại vui, đời sống anh em cũng tốt hơn. Giờ thì vắng quá....” – anh Ba buông lửng câu chuyện của mình rồi ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ.

Những hình ảnh tươi tắn của thời quá vãng ấy như một giấc mơ. Do vắng khách và hoạt động không hiệu quả, đầu năm 2018, đoàn tàu Long Biên – Đồng Đăng cùng với hai đoàn tàu khác chạy tuyến Long Biên – Quán Triều (Quảng Ninh) và Yên Viên – Hạ Long đã phải dừng khai thác. 

Từ ngày 2/9/2018, những đoàn tàu này mới được khai thác trở lại, với hy vọng thành tàu an sinh, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo Luật Đường sắt. Trong thời gian đoàn tàu ngừng khai thác, anh Ba và những cán bộ ngành đường sắt trên tuyến này vẫn cố gắng bám trụ công việc của mình. Họ phân ca kíp để làm việc và nghỉ luân phiên. Chỉ có điều thu nhập của họ được tính theo “công nhật”, tức là làm ngày nào tính công ngày đó.

“Khi Nhà nước khai thác lại tuyến đường sắt này, anh em chúng tôi mừng lắm. Tất nhiên với lượng khách ít như hiện nay anh em cũng lo lắng lắm. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng tuyến tàu an sinh này sẽ được Nhà nước hỗ trợ và duy trì. Không phải vì công việc của anh em phục vụ tàu mà đơn giản vì nhu cầu của người dân vẫn có” – anh Ba tâm sự.

Trăn trở cho tương lai

Đúng 8 giờ, tàu đi qua ga Lim (Bắc Ninh). Tôi quyết định qua toa ghế cứng bên cạnh để tham quan. Quả thực ở đây náo nhiệt hơn hẳn. Chỉ có điều phần lớn hành khách đều là người cao tuổi. Tranh thủ ghế trống, nhiều người nằm dài luôn trên ghế ngủ ngon lành. Một trong những hành khách đặc biệt nhất ở đây là cụ Đỗ Đức Luận (SN 1935, quê ở TP Bắc Giang). Nói là đặc biệt bởi cụ Luận là hành khách quen thuộc trên tuyến tàu Long Biên – Đồng Đăng đã hơn nửa thế kỷ qua.

“Tôi bắt đầu đi tàu này lần đầu tiên vào năm 1960, tính đến bây giờ đã gần 60 năm rồi. Nhân viên phục vụ trên chuyến tàu này ai cũng quen tôi cả” – cụ Luận nói và kể vanh vách tên từng nhân viên nhà tàu. Thậm chí những người đã nghỉ hưu, những người đã chuyển công tác cụ cũng kể không sót một ai. Quê cụ Luận ở Bắc Giang nhưng lại sống và làm việc ở Hà Nội. “Đường từ Hà Nội lên Bắc Giang giờ làm to, đẹp lắm rồi. Đi bằng ô tô sẽ nhanh hơn rất nhiều nhưng tôi vẫn chỉ thích đi tàu” – cụ Luận tâm sự. 

Ngồi gần cụ Luận là cụ Nguyễn Thị Trà cũng là một khách quen của đoàn tàu Long Biên – Đồng Đăng. Năm nay ở tuổi 79 nhưng cụ Trà cũng đã có tới 48 năm đi tàu. “Tôi bị say xe, không đi được ô tô mà chỉ đi được tàu hỏa thôi. Giá tàu cũng chỉ 25.000 đồng/lượt (chặng Long Biên – Bắc Ninh), chỉ tương đương với giá xe buýt. Mà kể cả có cao hơn nữa tôi cũng chọn đi tàu. Tuy có chậm hơn một chút nhưng thoải mái, sạch sẽ và đỡ mệt vì không bị say như đi ô tô” – cụ Trà nói. 

Theo thống kê của Trưởng tàu Đình Mạnh, tổng số hành khách mua vé đi tàu là 29 người. Trong đó lên ở Long Biên 6 người, Gia Lâm 2 người, Yên Viên 4 người, Từ Sơn 1 người, Bắc Ninh 14 người, Bắc Giang 2 người. Thế nhưng khi đoàn tàu đi đến ga Bắc Lệ có tới 16 hành khách xuống tàu, 7 người khác xuống tiếp ở ga Lạng Sơn. Thành ra khi tới ga cuối Đồng Đăng, cả đoàn tàu chỉ còn có hai khách. Trưởng tàu Mạnh cho biết, trong 3 tuyến tàu an sinh xã hội thì tuyến Long Biên – Đồng Đăng là có doanh thu cao nhất. Đánh giá đó chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần còn trên thực tế số tiền thu về từ bán vé chẳng thấm vào đâu so với chi phí vận hành. 

Ở tuổi 35, anh Mạnh có lẽ nằm trong số những Trưởng tàu trẻ tuổi nhất của ngành đường sắt hiện nay. Cũng như tất cả anh em phục vụ tàu trên tuyến Long Biên – Đồng Đăng, vị trưởng tàu này mang trong mình rất nhiều trăn trở.

Nỗi lo lớn nhất vẫn là tương lai của tuyến đường sắt này liệu sẽ được kéo dài trong bao lâu. Bởi dù tuyến đã được khởi động lại, ngành đường sắt cũng đã có kiến nghị lên Bộ GTVT có giải pháp hỗ trợ, để thực hiện tàu an sinh cho 3 tuyến đường sắt. Thế nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Và với thực trạng càng chạy càng lỗ như hiện nay, số phận của tuyến đường sắt Long Biên – Đồng Đăng cũng như hai tuyến còn lại sẽ đi về đâu? Nếu như không được hưởng chính sách hỗ trợ, việc duy trì hoạt động là điều gần như không thể.

“Ngày tuyến bị tạm dừng hoạt động, tất cả anh em trong đơn vị đều rất hụt hẫng. Trong thời gian đó, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng duy trì công việc, chờ vào ngày tuyến sẽ chạy trở lại. Và, thực tế bây giờ chúng tôi lại tiếp tục sống với những chuyến tàu. Chưa biết sắp tới sẽ ra sao nhưng anh em chúng tôi vẫn đang cố gắng làm việc và tận hưởng những giây phút được sống với nghề” – Trưởng tàu Đình Mạnh tâm sự.

"Khi tàu dừng, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn thư của người dân có đường sắt đi qua, đề nghị khai thác tàu trở lại vì họ vẫn có nhu cầu. Tạm thời chúng tôi chịu lỗ để chạy tàu, nhưng về lâu dài cần Nhà nước hỗ trợ. Giờ công ty đã cổ phần hóa, lời ăn lỗ chịu, không còn như trước đây có tổng công ty lo nữa." - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà

Đoàn tàu tuyến Long Biên - Đồng Đăng sẽ đỗ đón, trả khách tại các ga Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Yên Viên, Từ Sơn, Lim, Bắc Ninh, Sen Hồ, Bắc Giang, Kép, Phố Vị , Bắc Lệ, Đồng Mỏ, Lạng Sơn, Đồng Đăng. Tàu xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 7 giờ 05 đến ga Đồng Đăng lúc 11 giờ 40; xuất phát tại ga Đồng Đăng lúc 15 giờ 10 đến Ga Hà Nội lúc 19 giờ 45. Giá vé dao động từ 15.000 - 89.000 đồng tùy cung chặng.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan