Thời gian qua, thực trạng xe khách chạy không phù hiệu, không vào bến đón trả khách, xe hợp đồng, xe Limousine đón khách lẻ phát triển mạnh ở các tỉnh, thành phố gây lộn xộn trong lĩnh vực hành khách làm cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nguy cơ phá sản, phá vỡ quy hoạch tuyến. Trước những bất cập này, mới đây 11 doanh nghiệp vận tải khách cố định tuyến cố định Hà Nội - Quảng Ninh đã có đơn gửi đến Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông và thành phố Hà Nội để có biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
|
Xe Limousine lách luật xuất hiện nhan nhản trên đường phố. |
Bức xúc là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp vận tải trước thực trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động ngang nhiên giữa lòng Thủ đô mà không có cơ quan chức năng nào xử lý. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, các doanh nghiệp vận tải bỏ bến vì không có khách, phương tiện giao khoán cho các cá nhân để tự thu, tự chi đảm bảo tồn tại. Vì vậy, thay vì chạy xe theo biểu đồ các doanh nghiệp đưa xe ra chạy “dù” nhằm tranh thủ vợt khách của các doanh nghiệp khác dẫn đến sự hỗn loạn trong hoạt động vận tải. Bên cạnh đó xe Limousine núp bóng dưới dạng xe hợp đồng xuất hiện ngày càng nhiều làm cho hoạt động vận tải trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát.
“Nếu như ngành chức năng không quản lý được, không có một phương án để đưa ra giải pháp quản lý cụ thể thì sẽ rất khó cho các doanh nghiệp vận tải. Hoạt động của doanh nghiệp ở các tuyến trên bến nếu như không có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp thì các đơn vị vận tải tuyến cố định sẽ ngày càng bị teo tóp đi. Doanh nghiệp mong muốn có một giải pháp để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tồn tại để đủ điều kiện, khả năng cạnh tranh với xe hợp đồng”, ông Hải nói.
Trước thực trạng này, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải cho rằng, cần nghiên cứu chuyển các tuyến xe khách tuyến cố định cự ly ngắn thành xe buýt để giải quyết mâu thuẫn giữa hai loại hình xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết, khi các bến xe bị đẩy ra ngoài trung tâm sẽ khiến người dân tiếp cận phương tiện công cộng ngày càng khó khăn. Khi đó, người dân buộc phải tìm phương tiện khác và vô hình đã tạo điều kiện cho xe “dù” phát triển.
Ông Lưu Huy Hà cho rằng, xe tuyến cố định có quá nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, vì vậy những tuyến nào có tần xuất lớn có khoảng cách dưới 200 km nên chuyển thành mô hình xe buýt: “Những tuyến nào có tần suất lớn thì nên chuyển thành mô hình xe buýt, bởi những quy định không phù hợp nên bỏ đi. Nếu xe buýt càng được vào sâu trung tâm thành phố sẽ càng tốt. Nên đầu tư theo mô hình xã hội hóa, coi tuyến cố định là loại hình xe buýt, thành phố và các tỉnh khác sẽ không phải bỏ ngân sách Nhà nước để trợ giá. Như thế sẽ rất là tốt và tiện lợi cho đi lại cho người dân”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải tô tô Việt Nam cho rằng, việc quản lý các loại hình vận tải bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian dài. Đơn kêu cứu của các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tỉnh Quảng Ninh đến Thủ tướng là ví dụ điển hình của bất cập này. Luật Giao thông định nghĩa vận tải khách theo hợp đồng, taxi, buýt, không còn phù hợp, có giao thoa giữa xe hợp đồng với tuyến cố định, xe hợp đồng với taxi. Trong khi điều kiện kinh doanh tuyến cố định chặt chẽ thì điều kiện kinh doanh hợp đồng lại lỏng lẻo; các tiêu chí để phân loại giữa xe buýt và xe tuyến cố định lại rất gần nhau.
“Tôi cho rằng cái gốc của vấn đề là phải sửa “Luật Giao thông đường bộ” bằng việc định nghĩa lại tiêu chí vận tải khách theo hợp đồng một cách cụ thể, rõ ràng hơn để người ta không lợi dụng sự lỏng lẻo để lợi dụng kinh doanh, từ đó phát sinh ra mâu thuẫn. Vừa qua cơ quan quản lý nhà nước dùng nhiều biện pháp để thanh tra, kiểm tra, tôi nghĩ điều này chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa phải là căn cơ. Tôi nghĩ muốn giải quyết được một cách căn cơ thì phải sớm sửa luật giao thông đường bộ và ban hành nghị định thay thế Nghị định 86”.
Một trong những điểm đáng chú ý và nhận được sự kỳ vọng lớn trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc bổ sung những điều kiện để đưa hoạt động kinh doanh xe hợp đồng và xe du lịch vào khuôn khổ. Với những quy định mới này, xe hợp đồng trá hình, hay còn gọi là xe “dù” xe Limousine vốn đang gây nhức nhối ở nhiều thành phố lớn hiện nay sẽ hết “đất diễn”.Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải làm ăn chân chính có điều kiện phát triển./.