Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô: Tăng thêm hiệu quả liên kết

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một Nghị định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô vừa được Chính phủ ban hành. Đây là quy định pháp luật nhận được nhiều sự quan tâm, bởi sẽ góp phần thúc đẩy, giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc trong điều phối, liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô, cũng như cho chính TP Hà Nội.


Co che phoi hop giua cac tinh, TP trong Vung Thu do: Tang them hieu qua lien ket - Hinh anh 1
Một góc Thủ đô. Ảnh Phạm Hùng 

Trong những năm qua, chủ trương đẩy mạnh liên kết Vùng được cả hệ thống chính trị TP quan tâm, thực hiện. Đánh giá về việc thực hiện cơ chế phối hợp các tỉnh trong Vùng Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng, đã có một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các tỉnh, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa như mong muốn cũng như chưa tương xứng tiềm năng phát triển. Trong đó, việc thực hiện cơ chế phối hợp, liên kết vùng (Điều 23, Luật Thủ đô) giữa các tỉnh, thành phố với nhau hoặc với các cơ quan T.Ư vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Trước hết là do đến nay cơ chế kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng với nhau vẫn chưa được xác lập cụ thể, để tạo sự chủ động cho các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp, liên kết.

Dù Hà Nội đang hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng về vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường…, nhưng thực tiễn, một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các địa phương mang tính tự phát, chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng của Hà Nội và các địa phương.

Với Nghị định số 91/2021/NĐ-CP này, Chính phủ đã chỉ rõ về Hội đồng điều phối, người chủ trì, cơ quan phối hợp… Đặc biệt, quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng. Nghị định cũng chỉ rõ các lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm như quy hoạch xây dựng; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, đất đai, dân cư; nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng; bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch… Đồng thời, Nghị định quy định cụ thể chính sách ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư, với những quy định về hỗ trợ ngân sách T.Ư, địa phương trong thực hiện dự án trọng điểm.


Có thể nói rằng, đây là những cơ chế rất cụ thể làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai trong thực tiễn. Đồng thời với đó, hiện Hà Nội đã phê duyệt chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho TP, còn được kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và Hà Nội.

Như các chuyên gia nhận định, khi “sức mạnh” liên kết được phát huy, những vướng mắc được cởi bỏ, sẽ giúp Hà Nội thực hiện, tận dụng hiệu quả hơn các quy định pháp luật liên quan đến Thủ đô. Đồng thời khi hạ tầng cũng như các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế - xã hội giữa Hà Nội và các tỉnh, TP xung quanh có sự đồng bộ, thống nhất trong đường lối, kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự cùng phát triển. Đồng thời, để Thủ đô giảm quá tải hạ tầng, giảm bớt dân số, phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư kinh tế - xã hội tạo ra một trung tâm và vùng phát triển mạnh.

HÀ BÌNH/KTĐT

Tin liên quan