Có luồng xanh, vận tải hàng hóa còn điểm nghẽn, đâu là giải pháp?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dù luồng xanh đã mang đến sự đột phát trong việc khơi thông vận tải hàng hóa tại các tỉnh phía Nam nhưng một số nơi vẫn xuất hiện những điểm nghẽn. Vậy đâu sẽ là giải pháp tối ưu cho vấn đề này?

Co luong xanh, van tai hang hoa con diem nghen, dau la giai phap? - Hinh anh 1
 Dù có luồng xanh nhưng vẫn xuất hiện những điểm nghẽn trong vận tải hàng hóa ở một số địa phương.

Ngày 26/7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm trực tuyến với nội dung làm thế nào để khắc phục ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cung ứng, vận chuyển hàng hóa.

Buổi tọa đàm đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về tình hình vận tải hàng hóa trên cả nước trong thời gian qua đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn mà vận tải hàng hóa đang gặp phải.

Vì sao điểm nghẽn vẫn còn?

Covid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các DN vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng. Đó là khẳng định của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. Ủy viên BCH Hiệp hội này, ông Trần Đức Nghĩa cho biết: "Các DN vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, doanh thu giảm sút, chi phí tăng cao, hầu hết các DN đều rơi vào tình trạng thu lỗ và đứng trước bờ vực phá sản".

Đồng tình với việc siết chặt các biện pháp phòng dịch trong hoạt động vận tải bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên, ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, vẫn có những bất cập nảy sinh trong công tác này tại một số địa phương khiến cho các DN vận tải gặp khó.

Điển hình như việc không có cơ quan nào đứng ra lĩnh xướng biện pháp phòng dịch, dẫn tới khó khăn ở khắp mọi nơi cho DN. “Ví dụ, trên địa bàn Quảng Ninh, tôi không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test Covid-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR” – ông Nghĩa đơn cử.

Co luong xanh, van tai hang hoa con diem nghen, dau la giai phap? - Hinh anh 2
 Việc xét nghiệm Covid-19 giúp tăng cường các giải pháp phòng dịch nhưng vô tình khiến DN vận tải chịu thêm gánh nặng chi phí.

Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương áp dụng các quy định vận tải trên đường quốc lộ. Ông Nghĩa tiếp tục lấy ví dụ, tại Hải Dương khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.

“Hay như  tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin – ông Nghĩa nêu.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, chính những bất cập như nêu trên đã gây ra sự lúng túng và thiệt hại cho DN vận tải. Trong bối cảnh DN đang khó khăn, thua lỗ thì giờ họ lại phải chịu thêm một gánh nặng nữa là chi phí xét nghiệm. “Hiệp hội chúng tôi ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày” – ông Nghĩa nói.

Đại diện đến từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội đưa ra số liệu: Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 20-30%; Vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hoá giảm sút 20-30%; Số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.

Đối với vận tải hàng hóa, ông Quyền chia sẻ, vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên.

“Nói chung, vận tải hàng hoá hiện vẫn có thể hoạt động được nhưng sản lượng bị giảm sút, chi phí tăng lên. Đặc biệt điều kiện làm việc của anh em lái xe cũng rất khó khăn do phải thực hiện quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi/đến từ địa phương vùng dịch” – ông Quyền nhận định.

Khẳng định quan điểm thực hiện quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 nhưng không làm đứt gãy chuỗi hàng hoá, bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay Bộ GTVT cũng như Tổng cục đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng thừa nhận, thực tế cho thấy có những địa phương còn quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe.

Đơn cử như có địa phương quy định chỉ áp dụng giấy xét nghiệm PCR song một số địa phương lại cho phép cả 2 loại. “Chúng tôi đã trao đổi và thống nhất giải pháp về các vấn đề trên để vận tải hàng hoá lưu thông tốt nhất trong mùa dịch” – bà Hiền cho biết.

Co luong xanh, van tai hang hoa con diem nghen, dau la giai phap? - Hinh anh 3
Các địa phương siết chặt công tác kiểm dịch để phòng, chống Covid-19.

Cần thêm luồng xanh cho tài xế

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, trăn trở lớn nhất của ngành GTVT hiện nay là làm sao vừa để đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn. Theo bà Hiền, giải pháp luồng xanh đã giúp các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông nhanh chóng khi không cần phải dừng lại kiểm tra tại chốt kiểm dịch. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần, phần quan trọng không kém để giúp thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo chống dịch, vừa lưu thông hàng hóa đòi hỏi tài xế, DN cũng phải tự giác và chấp hành nghiêm các quy định an toàn phòng dịch.

“Các giải pháp trên đều có những rủi ro nhất định, nhưng chúng ta phải nỗ lực làm sao để hạn chế ở mức thấp nhất. Chúng tôi cũng mong muốn các DN, tài xế quán triệt và thực hiện nghiêm túc” – bà Phan Thị Thu Hiền nói  và cho biết thêm, phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất ngành y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vaccine sớm để bảo đảm an toàn cho người lái xe và xem đây là một trong những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài nhất.

Trong khi đó, ông Trần Đức Nghĩa đưa ra đề xuất cho DN tự mua bộ xét nghiệm để chúng tôi tự thực hiện cho lái xe của mình. “Thực tế, năng lực của ngành y tế không thể đảm bảo xét nghiệm cho hàng triệu lái xe. Làm được điều này vừa giúp dành nguồn lực cho hoạt động chống dịch khác, vừa giúp DN vận tải giảm chi phí” – ông Nghĩa nói. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đưa ra đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lái xe để bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hoá của nền kinh tế bởi “đối tượng lây lan dịch bệnh không phải là xe mà là lái xe. Nếu không quản được người lái thì không đảm bảo phòng chống dịch”.

Co luong xanh, van tai hang hoa con diem nghen, dau la giai phap? - Hinh anh 4
Tài xế cũng cần có luồng xanh để vận tải hàng hóa thuận tiện hơn. 

Đại diện Sở GTVT TP Hà Nội, ông Đào Việt Long – Phó Giám đốc sở khẳng định quan điểm: “Nhiệm vụ chống dịch phải đặt lên hàng đầu” nhưng để để tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở GTVT sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin qua 3 số đường dây nóng, để cùng DN tháo gỡ để phương tiện vận tải được lưu thông thuận tiện nhất.

Ông Đào Việt Long cũng cho biết, hệ thống mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có thời điểm bị nghẽn và Sở GTVT Hà Nội cũng nhận được phản ánh có DN vào đăng ký không được hoặc đăng ký được nhưng thông tin nhập chưa đầy đủ, nhập sai.

“Những DN đăng ký đã lâu mà chưa được giải quyết, có thể gọi điện thoại về 3 đường dây nóng mà Sở GTVT đã công bố, nhắn tin tên DN, BKS phương tiện để chúng tôi chủ động tra cứu, xử lý” – ông Đào Việt Long thông tin.

Về việc tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã tổng hợp ý kiến và chuyển lên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đề xuất ưu tiên tiêm cho đội ngũ lái xe. Đồng thời, Sở cũng đã đề xuất tiêm cho đội ngũ lái xe buýt, taxi sân bay và tài xế vận tải đường dài.

 

Tin liên quan