Trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự luật này là đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa của người điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam như quy định hiện hành.
|
Quy định tuổi tối đa đối với tài xế ô tô trên 30 chỗ đang trói buộc DN vận tải và làm khó người lao động. |
Cả DN và người lao động cùng gặp khó
Ngay lập tức, nội dung trên của dự luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, giới chuyên gia cũng như các DN vận tải và đội ngũ lái xe. Phần nhiều ý kiến bày tỏ sự tán thành với đề xuất này vì cho rằng nó sẽ góp phần “cởi trói” cho các DN vận tải cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe và ở một khía cạnh nào đó giúp xã hội tận dụng được tối đa nguồn lực con người cũng như chuyên môn sẵn có từ đội ngũ lái xe.
Trên thực tế, quy định độ tuổi tối đa đối với tài xế ô tô đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong suốt nhiều năm qua. Theo quy định hiện hành, lái xe hạng E tới tuổi 55 sẽ bị hạ bằng, chỉ được điều khiển xe dưới 30 chỗ. Điều này khiến các DN vận tải hành khách thiếu lái xe trầm trọng, với DN xe buýt lại càng khó hơn. Đặc biệt, với đội ngũ tài xế, khi đến tuổi hạ bằng, không phải DN nào cũng có phương tiện để bố trí công việc phù hợp, khiến họ phải chuyển công việc khác, gây thiệt thòi cho người lao động vì chưa đến tuổi nghỉ hưu.
Nhiều lái xe khẳng định, với đặc thù công việc sử dụng phần nhiều kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần quá nhiều đến sức lực tay chân thì dù đã qua độ tuổi quy định (55 đối với nam và 50 đối với nữ), họ vẫn đủ sức đảm nhiệm công việc lái xe thêm nhiều năm nữa. Đó là chưa kể, trong nghề lái xe, kinh nghiệm là một yếu tố rất giá trị, người càng có lâu năm cầm lái sẽ càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nếu giới hạn độ tuổi tối đa như quy định hiện hành, vô hình chung đã lãng phí một lượng tài nguyên lớn cả về con người và kinh nghiệm trong lĩnh vực lái xe.
Đối với DN vận tải, quy định giới hạn độ tuổi tối đa thật sự đang đẩy họ vào tình thế khó khăn, nhất là DN vận tải xe khách. Phó Giám đốc Công ty TNHH Bảo Yến Phạm Quang Cường cho biết, mỗi năm DN này có tới trên dưới 40 tài xế có bằng E đến tuổi nghỉ theo quy định hiện hành. Đáng nói, để có thể xây dựng lại đội ngũ tài xế này là điều không hề dễ dàng bởi nhiều người phải kinh qua thời gian lái xe nhỏ (sử dụng bằng D) rồi mới có thể thi lên bằng E. Song không ít người thi lên được bằng E chưa được bao lâu thì lại đến tuổi hạ bằng. Điều này càng làm cho đội ngũ tài xế của DN này thêm mỏng.
|
Nhiều chuyên gia và DN vận tải ủng hộ đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa với tài xế ô tô trên 30 chỗ. |
Quy định đã lỗi thời cần phải thay đối
Chính bởi sự trói buộc trên mà ngay khi Dự thảo luật Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an đưa ra đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa đối với người điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ, nhiều DN và chuyên gia đều lên tiếng ủng hộ. Các chuyên gia cho rằng, quy định trên giờ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa nên việc sửa đổi, thậm chí là xóa bỏ là đương nhiên và cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, bỏ quy định tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là hợp lý. “Nhiều nước trên thế giới hay một số nước ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ quy định đối với người lái xe trên 60 tuổi thì chu kỳ khám sức khỏe phải rút ngắn lại” – ông Nguyễn Văn Quyền nói và cho biết thêm, ở các quốc gia này, những tài xế trên 60 tuồi mà vẫn đủ điều kiện sức khỏe thì họ sẽ được đổi GPLX và tiếp tục hành nghề lái xe kể cả lái xe khách trên 30 ghế.
Lái xe ở tuổi 55 họ hoàn toàn vẫn điều khiển phương tiện được, đặc biệt với những tài xế như thế họ có kinh nghiệm rất lâu năm chứ không có ông nào 50 tuổi đi thi bằng E cả. Người ta làm bao nhiêu năm mà đến độ tuối đó vẫn còn lái thoải mái, nhưng thật ra ở độ tuổi 60 thì đẹp” - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân Lê Đình Dũng
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, việc bỏ quy định tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi đã được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý nhiều lần trong thời gian qua. Trong khoảng 10 – 20 năm về trước, quy định này là phù hợp nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhiều, ngoài việc các dòng xe ô tô đã áp dụng nhiều công nghệ mới, điều kiện làm việc của người lái xe cũng đỡ nặng nhọc hơn nhiều so với trước đây thì với việc điều kiện sống và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều cũng giúp cho nền tảng sức khỏe của đội ngũ lái xe đã được nâng lên rất nhiều. Họ đủ điều kiện để điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ dù đã ở độ tuổi ngũ tuần.
Đồng quan điểm trên, ông Lương Duyên Thống - Trưởng Phòng Quản láy vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu với lái xe sẽ giúp các DN vận tải tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm. Ngành giao thông cũng từng đề xuất tăng độ tuổi làm việc của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ theo độ tuổi làm việc của người lao động tại Bộ luật Lao động. Tức lái xe có GPLX hạng E sẽ tiếp tục được sử dụng GPLX này cho đến khi nghỉ hưu (tương đương 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ).
Không chỉ Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an mà trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo cũng đề cập việc tăng tuổi lái xe. Cụ thể, tại điểm e, khoản 1, Điều 104 của dự Luật Giao thông đường bộ quy định: Tuổi lao động tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động. Nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2021), tuổi lao động tối đa của người lái xe trên 30 chỗ đối với nữ là 60 và nam là 62 tuổi. |