Tuần tra đường liên thôn, liên xã
Thông tư số 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý. Thông tư 73/2024/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT).
Trong đó, Bộ Công an nhấn mạnh quy định công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.
Cụ thể tại khoản 2, điều 30 thông tư quy định nhiệm vụ của lực lượng khác trong Công an Nhân dân, tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ.
"Trường hợp không có lực lượng CSGT đi cùng thì công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng CSGT" - đại diện Bộ Công an cho biết.
Về địa bàn, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý. Về nhiệm vụ, công an xã sẽ được xử lý đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng một bánh đối với xe hai bánh; không có gương chiếu hậu ở bên trái theo quy định; sử dụng ô (dù); kéo, đẩy xe khác, vật khác; chưa đủ tuổi lái xe theo quy định hoặc phát hiện xe vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
"Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính", Thông tư 73/2024/TT-BCA nêu rõ.
Trước thông tin lực lượng công an xã được quyền xử lý vi phạm, nhiều người dân bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương này khi mà thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã diễn ra khá phổ biến.
Anh Nguyễn Đình Tuân (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Từ trước đến nay, người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã rất chủ quan trong việc bảo đảm an toàn giao thông cũng như thực hiện các quy định của pháp luật. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm hay chở 3, chở 4, đặc biệt là sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến”.
Anh Tuân cho rằng, việc tăng cường thêm lực lượng công an xã trong công tác xử phạt vi phạm liên quan đến an toàn giao thông sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân, không còn chủ quan khi tham gia giao thông quanh làng, quanh xóm, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chú trọng tuyên truyền
Cùng với việc đồng lòng ủng hộ nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại về việc xử lý chồng chéo, lạm quyền, tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Bá Tài (huyện Thường Tín) cho biết: “Hiện nay tuyến đường liên xã đã thường xuyên có sự xuất hiện của lực lượng Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an huyện. Nay công an xã cũng được xử phạt vi phạm giao thông, vậy sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo trong công tác xử lý vi phạm gây phiền hà, mất thời gian cho người dân khi liên tục phải dừng xe kiểm tra”.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung cho rằng, lực lượng công an xã hiện nay đã tiến tới chính quy toàn phần, việc phân cấp, phân quyền cho lực lượng này tiến hành xử lý vi phạm về an toàn giao thông là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông ở các vùng nông thôn đang phát triển diễn ra phức tạp.
“Trước đó, theo khoản 3 Điều 31 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, trong những trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền có thể huy động lực lượng công an xã tham gia phối hợp với lực lượng CSGT để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Hoạt động của công an xã đã hỗ trợ không nhỏ cho CSGT bảo đảm an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Việc công an xã xử lý vi phạm giao thông không chỉ có tính răn đe, nâng cao ý thức người dân mà còn giảm thiểu gánh nặng cho lực lượng CSGT chuyên trách địa bàn” - ông Vũ Hoàng Chung chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, ở một số khu vực nông thôn, nhận thức về pháp luật của người dân chưa cao, hệ thống đường giao thông, biển báo… còn hạn chế. Để tránh mâu thuẫn, bức xúc trong Nhân dân, lực lượng công an xã cũng phải tiến hành xử phạt nghiêm minh, công khai, đúng quy định của pháp luật bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định hiện hành.
Trao đổi với phóng viên, đại diện chỉ huy công an xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên cho biết: “Trước khi Thông tư số 73/2024/TT-BCA được thực hiện, chúng tôi đã có thời gian được tập huấn, trang bị, bổ sung kiến thức, đến nay đã sẵn sàng thực hiện chủ trương mới này. Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm đơn vị cũng sẽ tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh”. Theo vị đại diện này, đơn vị đang chờ được cấp trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, hiện nay, lực lượng công an xã còn mỏng lại thực hiện đồng loạt nhiều nhiệm vụ, do vậy, việc xử lý vi phạm về an toàn giao thông cũng gặp không ít khó khăn.
Thông tư 73/2024/TT-BCA cũng quy định lực lượng trong Công an Nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị: còi, loa, gậy chỉ huy giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác theo quy định và các biểu mẫu xử lý vi phạm.
Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu thực hiện theo quy định. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu chỉ được trang bị để làm nhiệm vụ.
Khi thực hiện xong nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ phải bàn giao lại cho người có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Việc giao nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu phải ghi vào sổ theo dõi, ký giao nhận.
Phạm Công