|
Cần có quy định bắt buộc công khai các cơ quan, đơn vị quản lý các tuyến đường giao thông để nhân dân giám sát trực tiếp việc quản lý công trình. |
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cho rằng, cần có quy định bắt buộc công khai các cơ quan, đơn vị quản lý các tuyến đường giao thông, kinh phí phục vụ việc duy tu, bảo dưỡng để nhân dân giám sát việc quản lý công trình, sử dụng kinh phí bảo dưỡng.
Điều này giúp người tham gia giao thông thuận tiện phản ánh khi phát hiện sự cố, hư hỏng về hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Khi thông tin này được đưa ra, nhiều người tham gia giao thông cũng bày tỏ sự đồng tình để tăng tính minh bạch đối với đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ:
“Nhiều đoạn đường đi rất hay bị xuống cấp và có những tuyến đường ổ gà xuống cấp khá nghiêm trọng. nhưng khi đi trên đường chúng tôi muốn phản ánh đến cơ quan chức năng quản lý địa bàn, cung đường đi đấy thì không biết phản ánh đến đâu cả”.
“Công khai như thế để người dân biết công ty này làm thế nào, công ty kia làm thế nào, nhưng trong quá trình công khai thì gọi điện thì các công ty đấy phải có trách nhiệm phản hồi người dân nên mong muốn công khai càng sớm càng tốt”.
Nói về đề xuất này, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 cho rằng, hiện nay trên các tuyến đường bộ đều có các biển báo thông báo đường dây nóng về Cục Quản lý đường bộ và các Chi cục Quản lý đường bộ để hỗ trợ việc đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là những vị trí thường xảy ra sụt lún hoặc có nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
Tuy vậy, trên các Quốc lộ có nhiều đơn vị khác nhau quản lý, từ Cục Quản lý đường bộ, các Sở GTVT, UBND các huyện. Do vậy, việc công khai thông tin các đơn vị đảm bảo giao thông trên tuyến cũng là cần thiết để nâng cao hiệu quả giám sát từ phía người dân:
“Chủ trương này theo tôi là hết sức cần thiết và nó cũng đảm bảo kịp thời trong điều kiện công nghệ số hiện nay. Tuy nhiên chủ trương này cần một sự thống nhất và xây dựng đồng bộ trên diện rộng làm sao mà người dân ở bất kỳ vị trí nào hoặc địa bàn tỉnh khác cũng có thể sử dụng”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, thông qua việc công khai các đơn vị bảo trì, người dân cũng tham gia giám sát việc bảo trì đường bộ của các doanh nghiệp. Tuy vậy, để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp bảo trì, cần quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận thông tin phải phản hồi phản ánh của người dân:
“Hoặc là xây dựng trong văn bản quy phạm pháp luật, hoặc là trong hợp đồng, hợp đồng giữa bên giao quản lý là Tổng cục Đường bộ hoặc các Sở GTVT với đơn vị được nhận công tác quản lý bảo trì thì trong hợp đồng phải thể hiện trách nhiệm đó”.
TS Phan Lê Bình, giảng viên khoa Kỹ thuật hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật cũng cho rằng, để có thể coi phản ánh của người tham gia giao thông là một nguồn thông tin và doanh nghiệp tiếp nhận phải có trách nhiệm xử lý và phản hồi thì cần được quy định trong hợp đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị trúng thầu bảo trì đường bộ:
“Cái hợp đồng đó bảo rằng cứ có yêu cầu nào từ cơ quan quản lý nhà nước thì các anh phải sửa chẳng hạn, và không có quy định người dân yêu cầu thì các anh phải sửa thì lúc đó người dân phản ánh đến doanh nghiệp nó không có ý nghĩa lắm”.
Tuy vậy, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm thì cho rằng, đề xuất công khai nhà thầu, doanh nghiệp là không cần thiết. Bởi đường thuộc địa phương nào là do Sở GTVT địa phương đó quản lý. Nếu đường do trung ương quản lý thì Sở GTVT địa phương có trách nhiệm tiếp nhận để gửi Bộ GTVT xử lý.
Sở dĩ có đề xuất công khai thông tin là do phản ánh của người dân đến các cơ quan chức năng chậm được xử lý hoặc không có phản hồi cho người tham gia giao thông. Do vậy, trước hết cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị tại địa phương khi thông tin phản ánh của người dân chậm được xử lý:
“Phản ánh của người dân về đường hư đường hỏng hoặc các công trình có vấn đề nhưng hồi âm của cơ quan quản lý là chậm. Cái đó thực tiễn là có. Bây giờ phải xử lý chậm ấy như thế nào? Suy cho cùng là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đấy chứ không thể đổ tại thiên tai hay cái gì khách quan cả. Cái này đứng về mặt quản lý nhà nước các vị có trách nhiệm là phải làm rõ”.
|
Việc công khai thông tin của các nhà thầu trên từng con đường là điều tốt, có tác dụng về mặt truyền thông, buộc các nhà thầu có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn uy tín của mình đối với cộng đồng |
Không thể phủ nhận vai trò giám sát của người dân sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà thầu phải nâng cao trách nhiệm khi được giao quản lý, bảo trì đường bộ. Song nếu công khai thông tin để người dân trực tiếp phản ánh đến nhà thầu về mặt nào đó có thể thiếu thống nhất, khó phát huy hiệu quả, bởi đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận phản ánh chính là các cơ quan quản lý nhà nước.
“Yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)
Không bất ngờ khi nhiều người bày tỏ sự ủng hộ của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về việc cần công khai thông tin nhà thầu chịu trách nhiệm bảo trì các dự án đường bộ. Sự ủng hộ này phản ánh thực tế là nhu cầu giám sát chất lượng các dự án đường bộ của người dân ngày càng lớn hơn, trong khi phản ứng của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này lại quá chậm chễ, dẫn đến khát vọng được phản ánh trực tiếp đến đơn vị thực thi, là các nhà thầu.
Trong câu chuyện này, có một khái niệm cần được minh định, đó là sự công khai. Trên thực tế, thông tin về doanh nghiệp trúng thầu các hạng mục bảo trì các dự án đường bộ hoàn toàn không phải thông tin mật, và người dân dễ dàng tìm kiếm những thông tin này.
Vì thế, khái niệm công khai ở đây nên hiểu là mong muốn những thông tin về doanh nghiệp phải hiện diện một cách trực quan trên các con đường, để người dân có thể gọi thẳng tên người phải chịu trách nhiệm về chất lượng hạ tầng mà mình đang sử dụng.
Vậy thì trong trường hợp đề xuất công khai trên được thông qua thì điều gì sẽ xảy ra?
Thứ nhất, các ghi nhận của người dân về chất lượng đường bộ, thay vì được thu thập và xử lý bởi cơ quan quản lý nhà nước, là các chi cục quản lý đường bộ, sẽ được thực hiện bởi chính các nhà thầu. Điều này có vẻ như sẽ khiến cho quy trình tiếp nhận và phản hồi về chất lượng đường bộ sẽ đơn giản, bớt vòng vèo qua nhiều cửa so với thông thường. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là gì?
Về mặt nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây cụ thể là các đơn vị của Cục đường bộ Việt Nam, là phải kiểm tra, giám sát, yêu cầu các nhà thầu thực hiện trách nhiệm bảo trì đường bộ theo đúng hợp đồng. Họ có quyền chấm dứt hợp đồng, hoặc áp dụng các chế tài trong thẩm quyền đối với nhà thầu nếu không thực hiện đúng cam kết.
Khi người dân trực tiếp thông tin đến nhà thầu về các ghi nhận của mình, có một vấn đề sẽ nảy sinh, đó là cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể không nắm bắt được đầy đủ các vấn đề của con đường mà họ đang quản lý, bởi thông tin đã đến thẳng các nhà thầu mà không đi qua bộ phận xử lý thông tin của họ.
Trong khi đó, việc ban hành các quyết định áp dụng chế tài vẫn là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, và việc này sẽ bị chậm chễ, thậm chí có thể bị bỏ qua.
Mục đích cuối cùng của của người dân, thông qua đề xuất của những người đại diện là để kết quả giám sát chất lượng đường bộ của người dân dễ dàng và nhanh chóng được thụ lý giải quyết. Và để mong muốn này thực sự có kết quả, điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình, ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng các thông tin từ nhân dân, đồng thời nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, có thái độ quyết liệt, nghiêm khắc đối với các nhà thầu.
Việc công khai thông tin của các nhà thầu trên từng con đường là điều tốt, có tác dụng về mặt truyền thông, buộc các nhà thầu có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn uy tín của mình đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả trong câu chuyện này vẫn là cần tìm một giải pháp buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao hơn đối với vai trò của mình.