Tại Tọa đàm “Hướng tới hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững” do Sở GTVT Hà Nội phối hợp cùng Ngân hàng thế giới và trường Đại học GTVT tổ chức ngày 21/11, đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, Hà Nội đã có những tính toán để phát triển hệ thống giao thông thông minh, bền vững.
Nỗ lực giải bài toán ùn tắc
|
Trung tâm điểu khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội luôn rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT Hà Nội lựa chọn Trường Đại học Giao thông vận tải - cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực GTVT là đơn vị tư vấn: “Xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội”. Đề án sẽ đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô Hà Nội an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững. Đây là cơ sở để quản lý đầu tư các dự án ứng dụng giao thông thông minh trong tương lai.
Tại Tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: “TP Hà Nội hiện nay có 1,1 triệu ô tô, 6,7 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tăng thêm 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%. Diện tích đất dành cho giao thông đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1km vuông. Cả hai con số này mới chỉ đạt được một nửa so với yêu cầu”. Theo ông Nguyễn Phi Thường, mặc dù TP Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông song tốc độ đầu tư chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện; dịch
Covid-19 cũng đã làm sản lượng của xe buýt sụt giảm nghiêm trọng… Do vậy, việc phát triển giao thông thông minh sẽ góp phần không nhỏ giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Đại diện Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ, tháng 10/2023, đại diện WB đã gặp Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cùng nhất trí tăng cường hợp tác giúp thúc đẩy hệ thống đường sắt đô thị và chuyển giao công nghệ xe buýt điện. WB đã xác nhận các cam kết chung mang tính đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững cùng với TP Hà Nội.
Đặt ra 3 mục tiêu chính
GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT) cho rằng, hệ thống giao thông thông minh là xu hướng chung của tất cả đô thị trên thế giới. Hệ thống này sẽ góp phần tăng khả năng di chuyển thông minh, giảm thiểu ùn tắc mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và DN… Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng cho giao thông thông minh như tìm xe buýt, tìm tuyến đường gần nhất hay trung tâm điều khiển đèn tín hiệu… Qua đó đã đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân và DN. Việc phát triển giao thông thông minh sẽ đáp ứng được nhu cầu khách quan của con người.
“Hà Nội có những nguồn dữ liệu rất lớn từ camera hay dữ liệu hành trình trên xe nhưng chưa được khai thác triệt để, mới sử dụng để hậu kiểm, chưa ứng dụng trực tiếp. Chúng tôi hướng tới việc thu thập và xử lý đồng độ dữ liệu và vận dụng trực tiếp để trích xuất thông tin cần thiết để phục vụ việc đi lại của người dân” - GS.TS Lê Hùng Lân nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ, hệ thống giao thông thông minh không thể tách bạch được phương tiện thông minh và hạ tầng thông minh.
Cả phương tiện và hạ tầng cần đi song song và bổ trợ cho nhau một cách bền vững. “Chúng tôi đã xây dựng lộ trình phát triển giao thông thông minh với 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung kiện toàn, chuẩn bị nguồn lực và cấu phần cơ bản, tăng cường lắp đặt thiết bị hệ thống thông minh trên đường. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào hình thành hệ thống giao thông thông minh, kết nối dữ liệu. Giai đoạn 3 sẽ thiên về phát triển bền vững và vận hành hệ thống giao thông thông minh” - GS.TS Lê Hùng Lân nói.
Theo TS Đặng Minh Tân – giảng viên Bộ môn đường bộ (Đại học GTVT), Hà Nội đã có nhiều hệ thống giao thông thông minh nhưng chưa thực sự đồng bộ và chuyên nghiệp so với các nước phát triển trên thế giới. Trong tình thế phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn ở TP có tốc độ phát triển dân số nhanh như Hà Nội, việc phát triển giao thông thông minh sẽ đem lại hiệu quả nhanh và tiết kiệm.
Phát triển giao thông thông minh cần tập trung vào 3 yếu tố chính là thu thập dữ liệu, xử lý và truyền phát thông tin. Công việc cụ thể cần thực hiện là xây dựng hệ thống camera để thu thập thông tin; xây dựng một trung tâm thông tin chung và tích hợp các ứng dụng để truyền phát thông tin. “Ở một số nước trên thế giới, người tham gia giao thông hoàn toàn có thể nắm được tình hình giao thông phía trước để có tốc độ cũng như hướng đi phù hợp. Thậm chí ô tô có thể “giao tiếp” và trao đổi thông tin với nhau” – TS Đặng Minh Tân nêu.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phan Thanh Ngọc chia sẻ, với năng lực, kinh nghiệm sẵn có, VNPT quyết tâm đồng hành cùng TP Hà Nội triển khai các nhiệm vụ thuộc đề án xây dựng giao thông thông minh. Qua đó đóng góp vào mục tiêu chung đưa Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Giai đoạn 2 từ năm 2027 - 2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp TP Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS TP; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số. |