Những người thành thị bỗng nhiên rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch Covid-19 thường làm công việc bán hàng nước, bán rau, xe ôm, lao động thời vụ... nghỉ làm ngày nào là mất nguồn thu ngày đó. Họ còn là những người khuyết tật vốn dĩ hằng ngày đã rất đỗi khó khăn rất cần sự hỗ trợ của xã hội.
Gia cảnh khốn khó
Anh Vương Văn Sơn, trọ tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội bị ung thư phổi, điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 3. Thời gian đầu khi mới phát hiện bị bệnh, anh vẫn chạy xe ôm để kiếm sống. Nhưng dịch Covid-19 ập đến, anh phải nghỉ làm, không có tiền thuê nhà, anh bị chủ nhà trọ đuổi. Đúng lúc này, bệnh tình trở nặng, 2 chân bị liệt, không đi lại được. Anh em ruột thịt cũng không còn ai, vợ bỏ anh đi lấy chồng khác khi con còn nhỏ, một mình anh sống ở Hà Nội.
Bí thư chi bộ 8 (khu dân cư số 8, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) Nguyễn Hữu Cầm trao lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc
|
Thấy cám cảnh cho hoàn cảnh của anh, một gia đình bán nước chè ở gần, do dịch Covid-19 nên phải nghỉ bán hàng, họ đưa anh vào viện điều trị, chăm sóc khi anh không có người thân bên cạnh. Những ngày sau đó, anh được một nhóm thiện nguyện hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí điều trị.
Nhận món quà này, anh Sơn nghẹn lòng: “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, không biết tôi sẽ vượt qua nỗi đau bệnh tật và cuộc sống khó khăn lúc này thế nào. Cám ơn các bạn rất nhiều – cảm ơn những tấm lòng sẻ chia”.
Chúng tôi có mặt tại hội trường nhà văn hóa khu dân cư số 8, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vào một buổi sáng. Có 30 hộ gia đình khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nhận quà, mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng khó khăn. Đặt túi gạo và chai dầu ăn bên cạnh ghế, anh Nguyễn Sỹ Đức đôi mắt buồn rầu nói: “Nhà tôi có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 con. Năm 2016, vợ tôi bị ốm phải nằm viện; khi qua được cơn bạo bệnh cũng là lúc phát hiện đôi mắt không nhìn thấy gì. Con lớn 23 tuổi nhưng 7 năm nay bị trầm cảm không rõ nguyên nhân, hàng tháng phải đi lấy thuốc ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Một cháu trai học lớp 10 và cháu bé học mẫu giáo”. Gánh nặng ấy đè nặng lên đôi vai gầy của anh Đức, anh đã phải nghỉ làm ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông và thuê 2m2 ở phố Khuất Duy Tiến bán hàng nước kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thế nhưng khi đại dịch ập đến, anh nghỉ ở nhà, mất đi nguồn kiếm sống.
Anh Nguyễn Hoàng Lan thuộc hộ gia đình cận nghèo, bị liệt nửa người, gãy cổ xương đùi đóng đinh phải dùng nạng nhưng vẫn cố gắng đi từng bước đến nhà văn hóa khu dân cư số 8 để nhận quà. Khó khăn lắm anh Lan mới ôm nổi túi gạo và chai dầu ăn. Những ngày qua, vợ anh bán chè ở chợ Khương Đình phải nghỉ vì không có khách, nguồn sống của hai vợ chồng và 4 đứa con chỉ trông vào 525.000 đồng tiền bảo trợ xã hội.
Thông tin về hoạt động hỗ trợ những người buôn bán, xe ôm, làm thuê... bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, Trưởng ban công tác MTTQ khu dân cư 8 Nguyễn Thanh Xuân cho hay: Khi dịch bệnh xảy ra, khu dân đã phát động hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ dân phố “Lá lành đùm lá rách”.
Chúng tôi đến vận động những nhà có điều kiện hơn giúp đỡ người gặp khó khăn. Đến nay khu dân cư đã vận động được trên 1 tấn gạo, phát quà 7 lần, cho hơn 100 lượt người, trị giá mỗi suất 200 – 300.000 đồng...
Người khuyết tật không đơn độc
Là người khuyết tật (NKT) nhưng những ngày đầu tháng 4 – khi cả nước thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, anh Nguyễn Hồng Quang – Ban Truyền thông Hội NKT TP Hà Nội vẫn phóng xe máy đến điểm phát lương thực “Ai cần cứ đến lấy”.
Mỗi lần đến, anh Quang đăng ký nhận hơn 10 túi rồi mang đến tận nhà cho từng hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhất. Một buổi sáng trời mưa nặng hạt, chúng tôi đã cùng anh Quang đến nhà một hội viên NKT. Trong căn nhà nhỏ ở ngõ phố Hội Vũ, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) chúng tôi không thể cầm lòng khi ông Nguyễn Sỹ Tiến gần 70 tuổi hằng ngày chăm sóc em ruột Nguyễn Thị Thanh. 62 tuổi nhưng bà Thanh có đến 59 năm bị liệt 1 tay và chân trái.
Hướng đôi mắt buồn về người em không thể mặc được quần áo, đang nằm co quắp trong vỏ chăn mỏng, ông Tiến giãi bày: “Mỗi tháng cô Thanh được hỗ trợ 750.000 đồng bảo trợ xã hội và tôi được 300.000 đồng trực tiếp chăm sóc. Anh em tôi rất vui khi được quận, phường quan tâm và hỗ trợ thực phẩm. Hôm nay lại có thêm túi gạo và trứng do anh Quang mang đến giúp cho bữa cơm có thức ăn”.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà Thanh phải nhờ người anh trai chăm sóc từ sinh hoạt cá nhân đến cho ăn uống, ông Dương Khánh Hiệp – Thành viên đại diện cho Quỹ Bông Sen miền Bắc - Công ty CP Truyền thông Sơn Ca cho biết, sẽ báo cáo tình hình với Ban lãnh đạo Quỹ Bông Sen để tiếp tục tặng những phần quà giúp đỡ NKT ở Hà Nội trong những ngày đại dịch.
Nhiều trường hợp NKT khác trên địa bàn TP Hà Nội đang hưởng trợ cấp xã hội thời gian này luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, tổ chức, DN, cá nhân. Sự quan tâm này không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, nguồn động lực giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn...
Và những tinh thần đó đã lan tỏa đến nhiều người, và thực tế đã có những trường hợp giáo viên đang phải nghỉ làm, sinh viên nghỉ học tránh dịch cũng tận dụng thời gian này đi làm tình nguyện, chỉ mong sao góp công sức giúp mọi người cùng với niềm tin chiến thắng dịch bệnh.
"Tính đến giữa tháng 4, đã có 2.000 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở phường Khương Đình được nhận quà là lương thực, thực phẩm. Bao gồm: gần 10 tấn gạo, 1.200 thùng mì tôm, khoảng 500 chai dầu ăn. Chúng tôi xác định dịch bệnh còn lâu dài, ảnh hưởng tới kinh tế, nên sẽ rà soát kỹ càng xem hộ nào thực sự khó khăn, cần sự hỗ trợ thì tiếp tục giúp. Hiện có rất nhiều nhà hảo tâm khác và Nhân dân cũng sẽ sẵn sàng cùng với chính quyền cơ sở không để cho hộ nào bị bỏ lại phía sau." -Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khương Đình Vũ Thị Thanh Thúy
|
(Còn nữa)