Bài 1: Những mảnh đời cần sự sẻ chia
Bài 2: Không để ai bị bỏ sótViệc gì cũng làm
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn TP hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với 45.642 giáo viên và nhân viên. Thống kê cho thấy, gần 40.000 giáo viên, nhân viên trong số trên bị cắt giảm lương, thậm chí hàng nghìn người không được nhận lương.
Trong đại dịch Covid-19 nhiều giáo viên trường tư thục bỗng nhiên mất việc. Tuy vậy, họ vẫn phải sống nên chấp nhận làm mọi công việc, kể cả lao động tay chân miễn sao kiếm được đồng tiền.
Cô Doãn Thị Thu hằng ngày phải ở nhà trông nom 3 người con, không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào từ khi bị nghỉ không lương. Ảnh: Bảo Trọng
|
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ tháng 6 năm 2019, sau ít ngày tìm việc, cô Vũ Thị Thu Hòa (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được nhận vào làm giáo viên trường Mầm non Văn Khê, (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Tuy nhiên, khi vừa bắt đầu làm quen, yêu nghề, cô Hòa phải nghỉ làm không lương do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhà trường tạm đóng cửa.
Những hôm đầu, khi Chính phủ chưa có Chỉ thị 16, cô Hòa túc tắc mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng từ giao hàng online và dạy thêm Tiếng Anh buổi tối. Khi có lệnh cách ly xã hội, gần 90% các mối hàng tạm dừng, cô Hòa đành khăn gói về quê phụ giúp bố mẹ việc đồng áng.
Do không có sẵn “phương án 2” khi nhà trường tạm đóng cửa, nhiều giáo viên tư thục đã rất vất vả xoay đủ nghề để mưu sinh. Như trường hợp của cô Lê Thu Ngân (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), là giáo viên cơ sở mầm non Vườn Ong, ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Do chỉ có chuyên môn sư phạm, gần một tháng loay hoay, xin làm thêm nhiều việc như dọn nhà, giao hàng nhưng đều “không đạt” yêu cầu. Nhờ có người tư vấn, cô Ngân chuyển sang bán đồ hải sản ở quê.
“Ở Thanh Hóa quê tôi có nhiều hải sản ngon, nhất là mực và một số loại cá biển. Thoạt đầu, tôi cũng lo, không biết là sao để mua - bán thuận tiện. Nhưng thôi, đói thì đầu gối phải bò, vừa làm vừa học” - cô Ngân chia sẻ. Thế nhưng, sau khi các địa phương áp dụng cách ly xã hội, lượng khách vốn đã ít ỏi không còn ai đặt hàng, cô Ngân đành bắt xe khách về quê cậy nhờ bố mẹ.
Đang nghỉ không lương, tính tìm việc làm thêm phụ giúp chồng các khoản chi tiêu nhưng cô Doãn Thị Thu là giáo viên mầm non Cửu Việt (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã phải dừng lại ý định, bởi 3 đứa con đang nghỉ học ở nhà cần sự chăm lo. Trong khi chồng làm nghề xe ôm, đang bị hạn chế cũng phải ở nhà chờ các cuộc gọi điện từ khách quen.
“Nhà em có 2 vợ chồng, giờ 3 con nghỉ học, em phải ở nhà trông con, không có bất cứ khoản thu nhập nào. Thương con, thương cháu, dù ở quê bố mẹ em cũng vất vả, nhưng vẫn cố gắng tìm cách gửi lương thực lên cho vợ chồng em” - cô Thu chia sẻ.
Chia sẻ về những vất vả của cô giáo mầm non tư thục dịp dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Mơ - Hiệu trưởng nhóm mầm non Hương Mơ, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: Ở nhóm có 7 cô giáo, do đang giai đoạn khó khăn chung, phía nhà trường hỗ trợ đóng bảo hiểm, đa phần các cô đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm. Nhưng cua, ốc giờ cũng dần cạn kiệt, mỗi ngày các cô chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, có ngày không đồng nào.
“Ai cũng hiểu đây là khó khăn chung, chúng tôi chỉ mong sớm hết dịch để giáo viên và học sinh trở lại trường. Ở các miền quê, giáo viên mầm non hầu như không làm thêm được gì nên rất vất vả” – cô Mơ trao đổi thêm.
Muôn vàn khó khăn
Chia sẻ về những thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19, cô Cao Thu Hằng - Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho hay, đã hơn 2 tháng nay toàn bộ 12 giáo viên của nhà trường đều phải nghỉ không lương.
Giáo viên chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Ảnh: Chiến Công
|
“Vừa rồi, do không có thu nhập, nhiều cô cứ nấn ná ở lại Hà Nội để xin việc làm thêm, nhưng đi đến đâu họ cũng bị từ chối vì không có chuyên môn, các DN cũng giảm sản xuất kinh doanh nên không có nhu cầu tuyển dụng. Hằng tháng, các cô giáo này lại phải gánh khoản tiền thuê trọ hơn 1 triệu đồng nên đành xin về quê để chờ dịch tan” - cô Hằng cho biết.
Cũng theo cô Hằng, với những cô giáo ở Hà Nội, dù cũng chủ động liên hệ việc làm nhưng tình trạng cũng không “sáng sủa” hơn là bao. Thời gian đầu có cô kiếm được chút ít từ dịch vụ thuê dọn nhà, giao hàng thuê, nhưng gần đây, để phòng, chống dịch, không còn ai thuê nữa nên buộc lòng phải ở nhà chờ tiếp tế từ bố mẹ, người thân hoặc đồng lương của chồng. “Nhưng chồng các cô phần lớn cũng làm tự do, giờ cũng mất việc. Cả gia đình điêu đứng, không rõ kéo dài sẽ như thế nào” - cô Cao Thu Hằng lo lắng.
Nói về phần mình, cô Hằng cười buồn: “Giáo viên ngoài công lập sắp thành các mắc áo di động. Gia đình tôi giờ trông chờ hết vào đồng lương công nhân của chồng. Nhưng với 6 miệng ăn, lại tiền đóng học cho 2 con, nếu dịch kéo dài, chúng tôi chưa biết xoay sở ra sao”.
Chi tiết hơn, cô Hằng kể, trước đây khi trường học còn hoạt động, mỗi tháng lương hiệu trưởng được 7 triệu đồng, cộng với khoảng 8 triệu đồng của chồng, gia đình vẫn đủ cầm cự được. Nhưng gần đây, do không đủ chi tiêu, chồng cô đã xin làm thêm tăng ca để mỗi tháng kiếm thêm 1 - 2 triệu đồng. Xót chồng, cô Hằng đã gọi điện cho bạn bè để học cách bán hàng online.
“Do khách hàng cũng đều khó khăn nên tôi hầu như lấy công ship hàng để có thu nhập. Ngày thì được dăm ba chục nghìn đồng, nhưng nhiều ngày không có đơn hàng nào” - Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai chua xót nói.
Sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với giáo viên, hay thậm chí là hiệu trưởng cũng rơi vào thảm cảnh thất nghiệp kèm những lo âu không rõ khi nào nhà trường mới có thể mở cửa lại. Còn với các chủ cơ sở giáo dục hay chủ đầu tư cũng như đang “ngồi trên lửa” khi các khoản chi thường xuyên khổng lồ ập tới mỗi tháng. Lo ngại đứng trước nguy cơ phá sản, gần đây 150 chủ cơ sở giáo dục ngoài công lập đã có đơn cầu cứu tới Thủ tướng để mong nhận được những hỗ trợ từ chính sách.
(Còn nữa)
Sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với giáo viên, hay thậm chí là hiệu trưởng cũng rơi vào thảm cảnh thất nghiệp kèm những lo âu không rõ khi nào nhà trường mới có thể mở cửa trở lại. Còn với các chủ cơ sở giáo dục hay chủ đầu tư cũng như đang “ngồi trên lửa” khi các khoản chi thường xuyên khổng lồ ập tới mỗi tháng. |