|
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đảm bảo được công tác thi công trên công trường sau rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: Lê Thanh. |
Trong đợt bùng phát mới nhất, dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện được sức tàn phá khủng khiếp, nhất là tại các tỉnh, TP khu vực phía Nam. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán bị đình trệ, nhiều công trường xây dựng bị đóng băng... Tuy nhiên, bên trong những công trường thi công của dự án cao tốc Bắc - Nam lại là một không khí hoàn toàn khác.
Vượt khó để “giữ lửa” trên công trường
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những đoạn tuyến quan trọng của “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án được khởi công vào ngày 30/9/2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Trong khoảng 6 tháng đầu tiên sau khi khởi công, mọi việc diễn ra rất suôn sẻ. Tiến độ dự án được đảm bảo trên hầu hết các công trường.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng tại nhiều địa phương, những khó khăn dần ập đến dự án. Đầu tiên là việc thiếu hụt, chậm trễ vật liệu, máy móc thiết bị do mất nhiều thời gian qua các chốt kiểm soát dịch bệnh. Chưa dừng lại ở đó, dịch bệnh đã “tấn công” vào tận trong công trường xây dựng của dự án khi có trường hợp công nhân làm việc tại gói thầu số 3 và số 4 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai mắc Covid-19. Nhiều mũi thi công phải tạm dừng, khoảng 200 lao động phải dừng việc để điều trị và cách ly. Dự án đối mặt với nguy cơ thiếu lao động trầm trọng.
Giám đốc dự án Nguyễn Doãn Tân cho biết, việc Covid-19 “tấn công” vào tận lán trại của công nhân đã gây ra khó khăn rất lớn cho dự án. Đó chính là việc thiếu lao động. Cộng hưởng vào đó là tình trạng thiếu vật liệu phụ do các xưởng trong khu vực dừng sản xuất. “Ảnh hưởng nhất là phần kết cấu do không có vật liệu phụ để làm. Một số xưởng sửa chữa máy móc, kiểm định máy móc thiết bị phải vận chuyển lên Sài Gòn, trước sửa trong vòng 1 vài ngày thì nay phải chờ cả tuần" - ông Nguyễn Doãn Tân nói.
|
Công trường thi công cầu Mỹ Thuận 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Tư. |
Tình hình trên buộc chủ đầu tư và các nhà thầu phải sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ. Đầu tiên là vấn đề nhân công. Chủ thầu nghĩ ra phương án giải quyết bằng cách huy động lao động từ Hà Nội vào thay thế, trong số này có một bộ phận rất quan trọng là thợ máy.
Tiếp đó, nhờ sự vào cuộc của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng sự tạo điều kiện của các địa phương, những chuyến hàng chở vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ thi công cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng được khơi thông, thời gian chờ đợi tại các chốt kiểm soát dịch bệnh được rút ngắn lại. Một số mũi thi công tạm dừng làm việc đã hoạt động trở lại, không khí lao động sôi nổi, khẩn trương lại lan tỏa trên tất cả các công trường của dự án.
Ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) vui mừng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thi công được hơn 4km cấp phối đá dăm, thi công thử thảm hơn 2km nhựa tại gói thầu XL-03. Hiện dự án ạt trên 15% giá trị hợp đồng và dự kiến trong những tháng tới sản lượng có khả năng sẽ giảm, ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án.
Giữ vững phòng tuyến kiểm dịch
Không chỉ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mà nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khác như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - QL45, cầu Mỹ Thuận 2... chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã phải xoay đủ phương án để đảm bảo công tác thi công trên công trường không bị đứt gãy với mục tiêu cao nhất là giữ vững tiến độ, đưa dự án “về đích” đúng hạn.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn phòng dịch bởi chỉ cần bất cứ một sơ xuất nào, để Covid-19 “tấn công” vào trong công trường một lần nữa thì muôn vàn khó khăn không thể lường trước sẽ lại ập đến, mọi công sức của chủ đầu tư, nhà thầu và tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động nhằm “giữ lửa” trên công trường lâu nay đều đổ xuống sông, xuống biển.
Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn khẳng định, Ban quản lý dự án Thăng Long đã lên các kế hoạch chi tiết để triển khai thi công, đảm bảo trong bối cảnh dịch. Tất cả các công trường đều phải quán triệt tuyệt đối việc thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch trong công trường.
“Các công trường thực hiện quản lý "3 tại chỗ" đối với việc ăn ở, sinh hoạt và thi công xây dựng phạm vi công trường đồng thòi chia ca kíp với số lượng công nhân phù hợp, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người; ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, trao đổi công việc“ – ông Dương Viết Roãn cho biết.
|
Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã vượt khó để "giữ lửa" trên công trường giữa mùa dịch. Ảnh: Lê Anh. |
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Đại học GTVT nhận định, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh thành phía Nam khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công của dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Covid-19 bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa. Những chuyến xe chở vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam đương nhiên không thể tránh khỏi ảnh hưởng này” - GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết. Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, những khó khăn trên đã dần được giải quyết nhờ sự vào cuộc kịp thời của Bộ GTVT và sự hỗ trợ của các địa phương. Đặc biệt là việc xây dựng “luồng xanh” phục vụ riêng cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam mà Bộ GTVT chỉ đạo trong thời gian qua đã phát huy tác dụng.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đảm bảo thi công trên công trường là quan trọng nhưng công tác kiểm soát dịch bệnh tại các công trường dự án cao tốc Bắc - Nam cũng phải luôn luôn được đảm bảo một cách tuyệt đối. Đây cũng chính là giải pháp bền vững giúp cho công tác thi công được đảm bảo.
“Bài học xương máu từ những ca F0 tại một số gói thầu tại trong thời gian vừa qua cho thấy công trường là nơi dễ bị “tấn công” nhất. Bởi vậy, công tác kiểm dịch trên công trường phải luôn được chú trọng hàng đầu. Chỉ cần phòng tuyến này bị xuyên thủng, thách thức cho tiến độ cao tốc Bắc - Nam sẽ là rất lớn” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.