|
Công ty vận hành tăng số lượng tàu chạy để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng tàu điện của người dân. |
Tăng số lượng tàu chạy
Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, trong tuần đầu tiên khai thác thương mại, đơn vị đã vận hành 930 chuyến tàu, chở 165.824 lượt hành khách. Tỷ lệ khách xuất phát từ ga Cát Linh là 27,3%, xuất phát từ ga Yên Nghĩa là 24,2%. Gần 50% chia đều cho 10 ga còn lại.
Từ ngày 13/11, Công ty điều chỉnh số đoàn tàu vận hành trong ngày lên 6 đoàn, giãn cách chạy tàu 10 phút/lượt; Lượng hành khách tăng 53,3% so với ngày 12/11 và bằng 109,2% so với thực hiện ngày thứ Bảy tuần trước (ngày 06/11).
Kết quả vận hành đạt các chỉ tiêu kế hoạch về chuyến lượt, đảm bảo an toàn vận hành và công tác phòng chống, dịch bệnh.
Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Nguyễn Hồng Trường, cho biết: “Sau 15 ngày miễn phí khi đi tàu điện Cá Linh – Hà Đông, sẽ tiến hành thu với giá vé lượt từ trên 7.000 đồng cho đến 15.000 đồng tùy theo cự ly di chuyển. Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp”.
Ngoài ra, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có thể mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá giảm là 140.000 đồng/người/tháng.
Với hành khách là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo thành phố, sẽ được miễn phí.
Đặc biệt lần đầu tiên, hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội thực hiện bán vé theo ngày. Theo đó với giá vé 30.000 đồng/người/ngày, hành khách có thể di chuyển trên đường sắt đô thị không kể số lượt trong ngày.
Giá vé đi tàu đường sắt đô thị đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).
|
Nhiều hành khách đã dần có thói quen sử dụng tàu điện để làm phương tiện đi lại. |
“Càng đi, càng thích”
Sau hơn một tuần vận hành miễn phí, nhiều hành khách đã dần có thói quen sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông để làm phương tiện đi lại. Cũng không ít người đã xác định gắn bó với tàu điện lâu dài.
Chị Nguyễn Phương Thúy trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông chia sẻ: “Trước khi có tàu điện này, tôi đi xe máy để tới cơ quan tại phố Thái Hà, từ nhà đến cơ quan mất khoảng 1 tiếng 15 phút nếu không tắc đường, thời tiết đẹp. Bây giờ có tàu rồi tôi thấy đi rất tiện”.
Trước đây, chị Thúy ít khi sử dụng phương tiện công cộng để đi làm vì nếu đi xe buýt thì phải đổi xe tới vài lần lại rất đông người, chờ đợi lâu. Tuần qua, chị đã sử dụng tàu điện để đi làm suốt một tuần qua, không những đến kịp giờ làm việc mà tiết kiệm được hơn nửa thời gian di chuyển.
Cũng sử dụng tàu điện để đến công ty làm việc, anh Phạm Văn huy, trú tại Hạ Đình, Thanh Xuân cho biết: “Trước đây, để có thể di chuyển đến chỗ làm ở phố Giảng Võ vào giờ cao điểm, tôi mất khoảng gần một giờ đồng hồ, nay thời gian di chuyển chỉ mất 20 phút. Tôi hơi bất ngờ vì sự tiện lợi đem lại của tàu điện. Dự định của tôi là sẽ gắn bó lâu dài với tàu điện”.
Anh Huy cho rằng, việc dử dụng tàu điện để đi làm giúp anh tiết kiệm được khoảng 40 nghìn đồng tiền xăng xe ô tô mỗi ngày, hơn nữa đi tàu không còn phải chịu cảnh tắc đường cũng như muộn giờ làm.
Không còn cảnh “thức khuya, dậy sớm” để đón xe buýt đi làm, chị Nguyễn Thị Lan trú tại Láng Hạ, Đống Đa chia sẻ: “Công ty tôi làm việc ở Hà Đông. Hơn 3 năm quá, hôm nào tôi cũng phải dậy từ hơn 5h sáng chuẩn bị đồ đạc để đi làm bằng xe buýt. Giờ có tàu điện, đi lại thuận tiện, càng đi càng thích hơn”.
Theo chị Lan đi tàu điện trên cao khá thuận lợi. Bất chấp dòng xe cộ đông đúc rực đỏ đèn khung giờ cao điểm, ở dưới cứ ùn ứ, bên trên vẫn thong thả đi. Chị Lan cho rằng, nếu có thể tăng tính kết nối giữa các phương tiện công cộng từ nhà ga đi nơi khác thì tàu điện sẽ trở thành ưu tiên số một của nhiều người.