|
Sân bay Côn Đảo cần gần 4.000 tỷ đồng để "nâng tầm". |
Gần 4.000 tỷ đồng để “nâng tầm” sân bay Côn Đảo
Sân bay Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400 ngàn khách/năm. Hiện sân bay này đang phục vụ khai thác cho 3 hãng hàng không nội địa gồm: Vasco, Bambo, Vietnam Airlines với 3 đường bay nội địa từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất khai thác 20 - 22 chuyến/ngày. Trong giai đoạn 2016 - 2020 sản lượng vận chuyển hành khách qua cảng tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng 14%/năm. Năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19, sản lượng hành khách giảm, nhưng dự báo giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tăng 15% - 20%.
Trước đó thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố Quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 vị trí đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. Bộ GTVT cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình tại Cảng hàng không Côn Đảo trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2026.
Các hạng mục đầu tư xây dựng tại cảng hàng không Côn Đảo bao gồm: Xây dựng nhà ga công suất 2 triệu hành khách/năm, mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.830m x 45m (hiện là 1.830 m x 30m), hệ thống đèn tín hiệu; Công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến của 3 công trình hơn 3.794 tỷ đồng với 3 chủ đầu tư gồm: Cục hàng không, Tổng công ty Quản lý bay và Tổng công ty Cảng hàng không (ACV).
Cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT về các nội dung tham gia phối hợp, hỗ trợ của tỉnh trong quá trình triển khai dự án. Tại buổi làm việc, Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tiến độ thực hiện “Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; Hệ thống đèn hiệu đường cất hạ cánh” sẽ khởi công khoảng đầu tháng 3/2023 và hoàn thành vào tháng 12/2023, thời gian ngừng bay dự kiến từ tháng 3/2023 đến trước Tết Nguyên đán 2024.
Cũng tại buổi làm việc, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam báo cáo là đã tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 cho Cảng hàng không Côn Đảo với 2 dự án trọng điểm là “Xây dựng nhà ga hành khách” và “Mở rộng sân đỗ tàu bay”, đang trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt nhưng đến nay chưa có kế hoạch bố trí vốn trung hạn đến năm 2025.
|
Hiện có 3 phương án nâng cấp sân bay Côn Đảo được đưa ra. |
Cục Hàng không đưa 3 phương án
Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam vừa có những thông tin cập nhập liên quan đến dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định hiện dự án cơ bản bám sát tiến độ. Theo dự kiến, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được ký kết hợp đồng ngay trong tháng 5 để hoàn thành, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo FS trong tháng 7/2022.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT 3 phương án nhằm triển khai đồng bộ các hạng mục công trình thiết yếu để đảm bảo khi sân bay Côn Đảo có thể đưa vào khai thác khi hoàn thành dự án, tránh việc không thể đưa sân bay này vào khai thác do chưa triển khai các hạng mục đồng bộ cần thiết khác.
Phương án 1, ACV đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn 2022-2025. Cục Hàng không VN đầu tư dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn; TCT Quản lý bay VN -VATM triển khai đầu tư hệ thống bảo đảm hoạt động bay. Các công trình cung cấp dịch vụ hàng không như kho xăng dầu hàng không Bộ GTVT kêu gọi đầu tư.
Phương án 2, ACV không đầu tư các hạng mục công trình trên trong giai đoạn 2021- 2025, sẽ thực hiện xã hội hoá toàn cảng hàng không.
Phương án 3, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xã hội hoá hạng mục nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo quy hoạch. Theo đó, đường cất hạ cánh, đường lăn Cục Hàng không Việt Nam vẫn thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Hệ thống bảo đảm hoạt động bay như Đài kiểm soát không lưu, AWOS và hạ tầng đồng bộ do VATM triển khai đầu tư. Nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ do Bộ GTVT kêu gọi đầu tư đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, ưu điểm của phương án 1 là sẽ giữ nguyên vai trò người khai thác cảng hàng không, sân bay của ACV, đảm bảo sự ổn định và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia là kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Thời gian thực hiện tối ưu nhất.
Trường hợp giao ACV thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay sẽ giảm được thời gian trong việc trình phê duyệt đề án xã hội hóa cũng như xây dựng phương án, hồ sơ, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác (ước tính khoảng 2-3 năm).
Trong khi đó, phương án 2 lại có khá nhiều nhược điểm. Trong đó có thể kể đến nhược điểm là hải triển khai lại các thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư của Dự án; Xác định tài sản và lên phương án xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại cảng hàng không Côn Đảo; Làm việc với Bộ Quốc phòng để bàn giao đất quốc phòng tại cảng hàng không Côn Đảo cho UBND tỉnh để thực hiện kêu gọi đầu tư toàn bộ sân bay Côn Đảo theo hình thức PPP.
Đặc biệt, với phương án này, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo rất dài do phải thực hiện thủ tục xử lý tài sản công, trình và duyệt đề án xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư theo PPP... dẫn đến không đồng bộ với thời gian thực hiện dự án xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn của Cục Hàng không Việt Nam.
Với phương án 3, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, phương án này đầu tư theo hình thức PPP đối với công trình nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay là hình thức BOT. Nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc đầu tư nhà ga hành khách sẽ được nhận quyền kinh doanh, khai thác công trình nhà ga hành khách trong hời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước. Nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc đầu tư sân đỗ tàu bay sẽ được nhận quyền kinh doanh, khai thác công trình sân đỗ tàu bay.
Tuy nhiên phương án khai thác là cho ACV thuê lại toàn bộ sân đỗ tàu bay để đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không chỉ có 1 người khai thác cảng hàng không, sân bay. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước. Dù lợi thế của phương án này là tính khả thi cao nhưng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, phương án 3 vẫn có những hạn chế giống như phương án 2.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư gần 4.000 tỷ đồng để nâng cấp sân bay ngách như sân bay Côn Đảo là một số tiền không nhỏ, cần được nghiên cứu kỹ. |
Đầu tư hạ tầng hàng không cần có trọng điểm
Từ những phân tích trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị lựa chọn phương án 1 đồng thời đề nghị Bộ GTVT làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm phê duyệt kế hoạch đầu tư của ACV giai đoạn 2021 - 2025 trong đó có các công trình nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch tại cảng hàng không Côn Đảo.
Theo giới chuyên môn, phương án phân bổ chi phí cải tạo, nâng cấp các sân bay từ ngân sách nhà nước tiếp tục cần được xem xét thấu đáo, để đảm bảo sử dụng hiệu quả đầu tư công, cũng như duy trì hoạt động thông suốt cho các cửa ngõ hàng không trên cả nước. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nhiều dự án nâng cấp hạ tầng sân bay diễn ra đồng thời, cùng lúc cả ngành hàng không và du lịch đang tìm hướng đẩy nhanh phục hồi hậu Covid-19.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, việc phân bổ ngân sách cho các dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng hàng không cần có sự tính toán kỹ lưỡng để “so bó đũa, chọn cột cờ” sao cho đầu tư đúng và trúng mới mang tới hiệu quả. Theo chuyên gia này, với một sân bay ngách như Côn Đảo thì số vốn lên tới gần 4.000 tỷ đồng là nguồn kinh phí đầu tư không nhỏ và cần được xem xét lại. “Đầu tư nâng cấp hạ tầng các sân bay cần có trọng điểm, hướng tới những sân bay đủ tốt, có khả năng tạo hiệu ứng dẫn dắt, có thể cân đối được thu chi để vận hành” – vị chuyên gia này khẳng định.
Cảng hàng không Côn Đảo được quy hoạch là cảng hàng không nội địa cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có thể khai thác máy bay code C và tương đương (có thể đón được máy bay cỡ lớn như A320, A321), có 8 vị trí đỗ máy bay. Sân bay này cũng được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm.
|