Đẩy lùi “ma men” sau tay lái

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Có lẽ chưa khi nào Hà Nội lại sục sôi trước vấn nạn “ma men” sau tay lái như hiện nay.

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lái xe say xỉn gây ra không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội, mà còn khiến những người đang sống phải day dứt, hoang mang. Trước thực trạng đó, nhiều hội, nhóm, tổ chức đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, kêu gọi cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi “ma men”, ngăn ngừa tai nạn giao thông, nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Khi vụ việc nữ công nhân vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội bị "xe điên" đâm tử vong chưa kịp lắng xuống, dư luận lại tiếp tục đón nhận thông tin đau lòng về hai phụ nữ bị xe ô tô tông chết khi lưu thông qua hầm Kim Liên rạng sáng 1/5.

Điều đáng nói, tài xế gây ra cả hai vụ tai nạn nói trên đều trong tình trạng có "hơi men" trong người. Liên tiếp những nạn nhân bị chết oan uổng do lái xe say rượu đã khiến cho cộng đồng dậy sóng, phản ứng dữ dội.

Gần đây nhất, hơn 10.200 hội viên của Hội Cựu học sinh cấp 3 Hà Nội, niên khóa 1991 - 1994, những người bạn học của hai nữ nạn nhân đáng thương đã cùng nhau lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Nhiều logo hình ảnh sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ được Hội phát tán rộng rãi trên mạng xã hội Facebook. Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe” ngay lập tức được cả cộng đồng đón nhận, trân trọng và tiếp tục lan tỏa rộng rãi hơn.

Nhiều tài khoản Facbook, Zalo, Instagram... đã thay đổi hình đại diện với khẩu hiệu mạnh mẽ trên. Chắc chắn, khi nhấn nút thay đổi hình đại diện trên, mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của cá nhân mình khi tham gia giao thông. Điều đó cho thấy sức mạnh lớn lao của truyền thông đại chúng khi được thức tỉnh và cùng chung định hướng.

Nhưng mặt khác, nó cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng bấy lâu nay nhiều hội nhóm, tổ chức xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn nạn “ma men” sau tay lái, cũng như những tồn tại, bức xúc của giao thông nói chung? Và thậm chí cho đến nay vẫn còn rất nhiều hội, nhóm khác chưa hòa chung vào phong trào tuyên truyền vì an toàn giao thông. Đó thực sự là một thiếu sót, một mất mát vô cùng đáng tiếc của truyền thông đại chúng trong vai trò thay đổi nhận thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông.

Với hơn 10.200 hội viên cùng lên tiếng, truyền bá, sẽ có hàng vạn gia đình, hàng triệu người được tiếp cận với thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Hiệu quả của nó không cần nói cũng biết tích cực đến mức nào. Và mỗi thông điệp sẽ ý nghĩa hơn, đi sâu vào đời sống hơn nữa nếu tất cả các hội, nhóm, tổ chức cùng lên tiếng, chung tay vì một xã hội an toàn, không còn ma men sau tay lái.

Một điều đáng nói nữa là đừng để phong trào tuyên truyền, quảng bá thông điệp vì an toàn giao thông sớm nở tối tàn như một hành động bột phát hay trào lưu tức thời. Muốn các hội, nhóm, tổ chức có đủ điều kiện, nhiệt tâm để bền bỉ, kiên trì trong việc truyền bá văn hóa giao thông, cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đúng mức, kịp thời. Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước phải phát huy vai trò là cơ quan đầu mối tiếp nhận, liên kết các phong trào riêng lẻ thành hiệu ứng xã hội.

Qua đó truyền thêm động lực và nguồn lực cho các hội nhóm, tổ chức để duy trì phong trào ngày một lan tỏa rộng khắp. Bản thân các hội, nhóm, tổ chức xã hội cũng cần tìm đến nhau, cùng nhau kêu gọi xây dựng văn hóa giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông. Khi cả xã hội cùng sát cánh bên nhau, chắc chắn với sức mạnh ấy sẽ đẩy lùi được tai nạn giao thông, ngăn chặn những “ma men” sau tay lái.

Yến Dư/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h