Để không còn ám ảnh xe “hổ vồ”

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý xe quá khổ, quá tải từ kho bãi đến đường lớn, đường nhỏ. Nhưng nỗi ám ảnh xe “hổ vồ” vẫn chưa kết thúc, nhiều tính mạng vẫn bị những hung thần này cướp đi đầy oan ức.

Ngày 4/6 vừa qua, trên đường Hồ Chí Minh, địa phận tỉnh Hòa Bình, chiếc xe quá khổ quá tải đổ nghiêng đè bẹp một xe ô tô con, làm 3 người tử vong. Hiện trường vụ tai nạn khiến bất cứ ai nhìn qua cũng rùng mình.

Chiếc xe cơi nới thành thùng, chở quá tải gấp nhiều lần, như một hòn núi đè bẹp dúm ô tô con. Biết bao nhiêu vụ tai nạn thảm khốc tương tự đã xảy ra trên khắp các địa phương; hàng trăm người đã mất mạng vì những chiếc xe “hổ vồ” đầy ám ảnh đó.

Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ xe quá khổ, quá tải mới thôi đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân? Vì sao hầu hết các địa phương, bộ, ban ngành, lực lượng chức năng đều cam kết vào cuộc quyết liệt mà xe “hổ vồ” vẫn xuất hiện khắp nơi, gây hoang mang, sợ hãi cho người tham gia giao thông? 
Hai năm vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động vận tải phải tạm dừng, những cung đường trở nên yên bình hơn khi vắng bóng xe quá tải.

Thực tế này cho thấy, lực lượng chức năng hoàn toàn có đủ khả năng kiểm soát, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải lưu thông. Nhưng ngay khi gỡ bỏ giãn cách, ngay lập tức xe quá tải lại tung hoành từ ngõ nhỏ đến đường lớn. Phải chăng có sự mất tập trung, thiếu quyết liệt từ những đơn vị hành pháp?

Công tác ngăn chặn xe quá tải không hề dễ dàng nhưng các biện pháp đã được Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an, địa phương trong cả nước vạch rõ. Trong đó có những biện pháp căn cơ, chắc chắn như kiểm soát tải trọng ngay từ bến bãi; xử phạt nặng khi phát hiện vi phạm; kiểm tra kích thước thành thùng khi kiểm định kỹ thuật; yêu cầu các DN ký cam kết tuân thủ luật pháp về kinh doanh vận tải cũng như ATGT; yêu cầu chủ các công trình không sử dụng xe quá khổ, quá tải để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng...


Mỗi năm cũng có hàng nghìn trường hợp xe quá khổ, quá tải bị xử phạt. Nhưng vì sao những chiếc xe “hổ vồ” này vẫn xuất hiện, gây mất trật tự, ATGT trong quá trình lưu thông. Đó là vấn đề cần được làm rõ bởi một “bàn tay sắt”.

Mặt khác, lực lượng chức năng tại các địa phương cũng cần tích cực, linh hoạt hơn nữa trong quá trình kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải. Nếu chỉ máy móc, đợi khi xe tự đến đăng kiểm thì khóng phát hiện được thành thùng cơi nới. Kiểm soát tải trọng tại kho bãi, công trình mà không dứt khoát rút giấy phép những đơn vị vi phạm, tiếp tay cho xe “hổ vồ” chỉ càng khiến họ nhờn luật hơn.

Nhiều năm qua, cứ mỗi khi có những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe quá khổ, quá tải, cả nước lại ra quân cao điểm tăng cường xử phạt loại hình này. Nhưng sau cao điểm, hiệu quả ngăn chặn, răn đe lại mờ dần, xe “hổ vồ” lại xuất hiện. Cần làm rõ đó là trách nhiệm của ai, hình thức xử lý như thế nào? Nếu không gắn chặt trách nhiệm với từng đơn vị, địa phương, nỗi ám ảnh xe “hổ vồ” sẽ kéo dài không hồi kết.


 

MINH TƯỜNG/KTĐT

Tin liên quan