Trách nhiệm và nhân văn
Vừa qua, trên các diễn đàn mạng xã hội xôn xao tranh luận liên quan đến việc một xe ô tô đang dừng chờ đèn đỏ không nhường đường cho xe cứu thương. Những hình ảnh được ghi lại cho thấy, tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Linh Đàm một chiếc xe 4 chỗ (Vios) kiên quyết không di chuyển dù xe cứu thương phía sau hú còi ưu tiên, và phát loa xin nhường đường.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, nhiều ý kiến lên án gay gắt về hành động của tài xế điều khiển xe Vios. Ngược lại, không ít bình luận lại bày tỏ sự nghi ngại rằng nếu vượt đèn đỏ để nhường đường, người điều khiển phương tiện sẽ có thể bị xử phạt, cũng như tạo ra nguy cơ về TNGT tại điểm giao cắt.
Về vấn đề có nên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên hay không, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng cần dựa trên tình huống cụ thể khi sự việc xảy ra. Ví dụ như trong một điều kiện giao thông quá đông đúc, các phương tiện thiếu khoảng trống để tránh né thì không thể nói rằng người điều khiển xe đã vi phạm quy định.
Tuy vậy, ngay cả trong tình trạng khó, một tài xế có ý thức, kỹ năng vẫn sẽ có động thái cụ thể như bật đèn tín hiệu chuyển hướng, đi chậm lại để tạo khoảng trống lớn nhất có thể vì đây vừa là trách nhiệm tuân thủ quy định dành cho người tham gia giao thông, vừa là hành động nhân văn đối với người đang được đưa đi cấp cứu.
Còn đối với trường hợp chủ xe Vios không nhường đường cho xe cấp cứu mới được ghi lại, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh thắng cho rằng cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng để làm rõ, và áp dụng xử phạt nếu xác định được tài xế có đủ điều kiện nhường đường cho xe ưu tiên nhưng không thực hiện.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, phương tiện ưu tiên được chia thành 5 loại, quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng, tước GPLX nếu vi phạm hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ, quy định tại điểm H khoản 5, điều B khoản 11 điều 5 Nghị định 100/2019.
|
Ảnh minh họa. |
Nhường thế nào cho đúng?
Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, đại diện Công ty TNHH vận tải người bệnh Bắc Việt cho biết, vẫn có tình trạng các phương tiện đang lưu thông bối rối không biết xử lý ra sao khi nghe thấy tín hiệu của xe ưu tiên, đặc biệt là với mật độ giao thông đông đúc như tại Hà Nội, điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển người bệnh.
Mặt khác, mặc dù xe cấp cứu không bị xử phạt các lỗi giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ, phía lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thường xuyên quán triệt các lái xe phải đảm bảo an toàn khi lưu thông nhưng vì tính chất cấp bách, giành giật từng giây để giữ lại tính mạng của người bệnh nên rất cần thêm sự thấu hiểu và hỗ trợ của xã hội.
Giải thích về trường hợp không bị xử phạt khi nhường đường cho xe ưu tiên, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, xe ô tô vì nhường đường cho xe cứu thương mà vi phạm quy định về vượt đèn đỏ có thể được xét vào hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, là trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Bởi đây là tình thế vì muốn tránh một nguy cơ mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Cụ thể trong tình huống đang bàn luận, tài xế lái xe Vios cần phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương, vi phạm quy định về quản lý hành chính, ATGT, nhỏ hơn thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người trên phương tiện xe cấp cứu.
Bên cạnh đó, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh, để nhường đường cho đúng, các tài xế cần chú ý khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải. Trường hợp đủ điều kiện nhưng không thực hiện đúng, người điều khiển phương tiện vẫn có thể bị xử phạt.
“Nhường đường khi tham gia giao thông là một hành động văn hóa, đồng thời cần được tuân thủ tốt. Người tham gia giao thông phải hiểu rõ các quy định để vừa đảm bảo ATGT, tránh khỏi những hành vi sai nguyên tắc dẫn đến bị xử phạt không đáng có”, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng. |