|
Lực lượng chức năng kiểm tra thông tin của lái xe tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19. |
Tất cả có được nhờ công tác hậu kiểm cũng như sự trợ giúp của công nghệ hiện đại mà điển hình là phần mềm đăng ký giấy nhận diện phương tiện (mã QR Code). Những tín hiệu tích cực mà "luồng xanh" mang lại đối với vận tải hàng hóa tại các tỉnh phía Nam đem đến rất nhiều kỳ vọng về một giải pháp hoàn hảo cho không chỉ lĩnh vực vận tải hàng hóa mà còn cả vận tải hành khách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp trên cả nước.
Dẫu vậy, trong quá trình thực hiện vẫn có những trăn trở, lo lắng bởi phát sinh bất cập. Đầu tiên là sự “vênh nhau” trong cách triển khai "luồng xanh" tại các địa phương dẫn đến những chệch choạc và lệch chuẩn. Sự cứng nhắc, rập khuôn, máy móc trong thủ tục cấp "luồng xanh" không ít địa phương khiến cho DN vận tải loay hoay và bị mắc kẹt. Những điểm ùn tắc mới dần xuất hiện ở cửa ngõ các tỉnh, TP; đội ngũ tài xế vừa được “giải thoát” khỏi tình trạng “ăn trực nằm chờ” chưa được bao lâu đã lại phải làm quen với cảm giác này. DN vận tải vốn đang kiệt quệ bởi dịch bệnh nay càng trở nên lao đao bởi những gánh nặng chi phí phát sinh... Thêm vào đó, những bất cập, hạn chế về hạ tầng công nghệ tại không ít địa phương đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành "luồng xanh". Tình trạng tắc nghẽn đã xảy ra. Và đỉnh điểm của vấn đề chính là hệ thống phần mềm đăng ký giấy nhận diện phương tiện cấp mã QR Code bị tấn công mạng. Liền trong mấy ngày, Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống cấp mã QR Code.
Bất cập liên tiếp bộc lộ trong quá trình triển khai khiến những lời than thở, phàn nàn, bức xúc trong đội ngũ tài xế, trong các DN vận tải dần nóng trở lại. "Luồng xanh" thật sự đã chưa thể “xanh” như kỳ vọng. Thậm chí, nếu không sớm giải quyết, khắc phục triệt để những bất cập này, màu xanh hy vọng kia hoàn toàn có thể biến thành màu xám trong bức tranh vận tải hàng hóa mùa dịch vốn đã có quá nhiều gam màu không tươi sáng trong suốt gần 2 năm qua.
Đương nhiên, giá trị của "luồng xanh" là điều đã được thừa nhận. Chỉ có điều, mọi giải pháp khi đưa ra áp dụng đều phải có những “điểm thở” để có thế linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tất cả đều phải hướng đến mục tiêu tối thượng là vừa bảo đảm khơi thông vận tải hàng hóa, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, giúp cho chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Đó chính là đôi chân không thể thiếu giúp cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 đứng vững để đi tới thắng lợi.