Đề xuất đấu giá biển số xe máy và chế tài cho người bỏ cọc đấu giá

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tại Điều 37 dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an bổ sung thêm nội dung mới về đấu giá biển số xe máy và đề xuất chế tài đối với người trúng đấu giá biển số xe nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Điểm mới này được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tiễn.

Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV có một số điểm mới đáng chú ý. 

 

Cụ thể, theo Điều 37 dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ nêu: Biển số xe đưa ra đấu giá là số biển số xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu; giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu. 

 

Đề cập lý do bổ sung những nội dung trên, Bộ Công an nhấn mạnh, theo quy định của Bộ Luật dân sự, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ... thì biển số xe là tài sản công, phục vụ quản lý Nhà nước.

 

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (nền màu trắng, chữ và số màu đen) từ ngày 15/9/2023 đến hết tháng 2/2024.

 

Sau gần 6 tháng thực hiện, các đơn vị đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công hơn 15.100 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành công trên 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá đã được khách hàng nộp tổng cộng gần 1,4 nghìn tỷ đồng.

 

De xuat dau gia bien so xe may va che tai cho nguoi bo coc dau gia - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, việc khai thác kho biển số xe gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý như: Chưa có cơ sở pháp lý về việc cấp biển số xe thông qua đấu giá; chưa có quy định về quản lý biển số trúng đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; xác định giá khởi điểm. Bộ Công an đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe được phân cấp cho công an cấp huyện, cấp xã nhằm giảm thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp.

 

Đặc biệt, cơ quan chức năng đang đang chuyển cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, giao dịch qua cổng dịch vụ công để đăng ký, cấp biển số xe, đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

 

Cũng theo Bộ Công an, đấu giá biển số xe mới chỉ thí điểm đối với biển số xe ô tô nền màu trắng, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển số xe ô tô khác và biển số xe mô tô, xe gắn máy. Vì vậy chưa đáp ứng hết nguyện vọng của người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe vào Luật Trật tự ATGT đường bộ là rất cần thiết, phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh.

 

Trong Điều 37 dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an cũng đề xuất chế tài cần áp dụng đối với người trúng đấu giá biển số xe nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính mà bỏ cọc.

 

Theo đó, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá. Người tham gia đấu giá mà không xác nhận biên bản, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại tiền đặt trước và không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng.

 

Đề xuất này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh thời gian qua, rất nhiều trường hợp đấu giá với mức giá "khủng" lên đến vài chục tỷ đồng như biển 30K-999.99 (75 tỷ), 30K - 666.66 (gần 20 tỷ) sau đó bỏ cọc. Hàng loạt biển số đẹp này sau đó được đem đấu giá lại lần 2 như 30K-567.89, 14A - 888.88, 88A - 666.66...Thậm chí nhiều biển phải đem đấu giá lần 3 như 30K-567.89 gây mất thời gian và công sức cho cả người đấu giá lẫn đơn vị tổ chức đấu giá.

 

Việc bổ sung chế tài đối với người đấu giá tùy tiện bỏ cọc như hiện nay được đánh giá là bước cần thiết giúp loại bỏ tiền lệ xấu về việc làm nhiễu loạn thị trường giá biển số xe.

 

 

 

Tin liên quan