|
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội: "Tình trạng sử dụng xe biển số giả không do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp là một trong những khó khăn trong công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát". |
Tăng 7-10 lần sẽ tác động mạnh đến ý thức của người vi phạm
Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, tình trạng sử dụng biển số xe giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hình thành nhiều cơ sở sản xuất biển số giả. Kích thước, mẫu mã biển số xe được các đối tượng nghiên cứu làm giả rất tinh vi.
Đặc biệt, ngay cả với các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường cũng rất khó để phát hiện gian lận biển số. Chỉ khi đối chiếu số khung, số máy, các thông số kỹ thuật với đăng kiểm, đăng ký phương tiện mới nắm được. “Gắn biển số đó thì cũng rất khó để phân biệt thế nào là cơ quan có thẩm quyền cấp, thế nào là vi phạm. Vì người ta làm rất tinh vi, phải có biện pháp nghiệp vụ sâu, đấu tranh trực diện với người điều khiển phương tiện mới phát hiện được”, Thiếu tá Đào Việt Long phân tích.
Có những đối tượng muốn dùng biển số xe giả để che giấu hành vi của mình tránh sự phát hiện, hoặc có những người vì mục đích vụ lợi chỉ để khoe mẽ. Khi có cầu thì sẽ có cung, dẫn tới nhiều đối tượng lợi dụng sản xuất biển số xe giả. Hành vi này trái với quy định pháp luật, đã bị cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhưng các đối tượng vẫn bất chấp, tiếp tục thực hiện. “Tình trạng sử dụng xe biển số giả không do cơ quan công an có thẩm quyền cấp là một trong những khó khăn cho công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát”, Thiếu tá Đào Việt Long kiến nghị.
Từ thực tế này, mới đây Bộ GTVT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Đáng chú ý, hành vi sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép sẽ bị tăng rất nặng, có thể gấp đến 10 lần so với hiện nay.
Dự thảo mới quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng) có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức có hành vi Sản xuất biển số trái phép. Theo dự thảo nghị định mới, người vi phạm sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng (trước đây là 800.000-1 triệu đồng) với các hành vi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơmi rơ-moóc).
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do vi phạm.
|
Luật sư Phạm Quang Xá (Công ty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá: "Việc tăng mức phạt đối với hành vi bán, sản xuất biển số xe giả là cần thiết, là một trong những yếu tố đẩy lùi vi phạm giao thông". |
Có thể bị xử lý hình sự
Ủng hộ quan điểm đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm đối với hành vi bán, sản xuất biển số xe giả, anh Đào Văn Tiến (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Việc dùng biển số xe giả rất nguy hiểm, nó sẽ là công cụ giúp một số người có thể thực hiện được hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền đóng phạt rồi sau đó tiếp tục vi phạm. Pháp luật nghiêm minh, mức phạt thích đáng thì không ai dám tái phạm. Vị vậy khi biết tin có quy định tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất, sử dụng biển số giả, tôi rất ủng hộ và mong quy định này sớm được thực thi”.
Liên quan đến việc tăng mức xử phạt đối với hành vi bán, sản xuất biển số xe giả, luật sư Phạm Quang Xá (Công ty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc tăng mức phạt đối với hành vi bán, sản xuất biển số xe giả là cần thiết, là một yếu tố đẩy lùi vi phạm giao thông. Mục đích của việc tăng mức xử phạt hành chính là ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, việc nâng mức phạt để người dân có ý thức hơn trong chấp hành quy định về ATGT.
“Ở góc độ Nghị định 100 sửa đổi việc tăng mức phạt hành chính đối với người bán, sản xuất biển số xe giả là một mặt của vấn đề. Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành hình sự thì có thể bị xử lý hình sự tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức vào hành vi trái pháp luật, hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù”, luật sư Phạm Quang Xá cho hay.
Theo chuyên gia pháp lý, để xảy ra hiện tượng mua bán tràn lan biển số giả trên mạng, cũng như tại các cơ sở sản xuất, trách nhiệm một phần thuộc về cơ quan chức năng địa phương đã lơi lỏng trong nắm địa bàn và hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp. Do vậy, trước khi đưa khoa học công nghệ vào giao thông, nên xử lý dứt điểm các cơ sở buôn bán biển số giả, các trang mạng rao bán tràn lan về giấy phép lái xe, kể cả đăng ký xe...
|
Chỉ cần gõ cụm từ “làm biển số xe” trên mạng xã hội Facebook, sẽ có hàng loạt trang hiện ra cho khách thoải mái lựa chọn. Ảnh minh họa |
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm sát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Cục CSGT cho biết: “Nhiều lái xe có hành vi sử dụng biển số giả, lấy băng dính dính vào các con số trên xe làm camera không nhận biết được. Đơn vị đã chủ động và xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo làm chuyên đề che lấp biển số hoặc cố tình che biển số để xác định động cơ, mục đích lái xe che giấu biển số không để cho cơ quan chức năng phát hiện”.
|