Taxi đón khách trên phố Tôn Đản. Ảnh: Hải Linh
|
Thực tế đáng ngại
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 19.265 phương tiện được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”, thuộc quản lý của 74 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Đồng thời có 15.305 đơn vị kinh doanh vận tải với 61.154 xe hợp đồng và xe du lịch, trong đó có 43.452 xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, con số thực tế khác xa thống kê. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự cạnh tranh khốc liệt của taxi công nghệ, đặc biệt là Grab, Hà Nội hiện nay chỉ còn khoảng 13.000 xe taxi truyền thống; trong khi đó có tới trên 63.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, do quy định giới hạn số lượng xe nên nhiều DN vận tải cố tình lách luật bằng cách mở chi nhánh tại các địa phương khác để xin cấp phù hiệu xe taxi rồi đưa phương tiện về hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Lượng xe taxi ngoại tỉnh này tập trung chủ yếu tại các bệnh viện, bến xe, nhà ga, khu vực đông dân cư, gây mất an ninh, trật tự, cạnh tranh quyết liệt nhưng thiếu sòng phẳng với taxi do Hà Nội quản lý. Thực tế là đến nay lực lượng chức năng TP vẫn chưa có cách nào hữu hiệu để xử lý xe taxi ngoại tỉnh cũng như kiểm soát, quản lý taxi công nghệ, khiến taxi truyền thống ngày càng đến gần bờ vực sụp đổ.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, thời gian qua, số lượng phương tiện xe taxi được giữ ổn định theo chỉ đạo của Bộ GTVT, dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi truyền thống và không cho tăng số lượng xe trên địa bàn TP. Hiện nay, loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ áp dụng công nghệ, hoạt động tương tự xe taxi không bị hạn chế số lượng, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa 2 loại hình này.
Mặt khác, trong những năm qua, hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông tĩnh của TP đã được đầu tư phát triển. Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ - CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Kế hoạch số 201/KH - UBND của UBND TP, Sở GTVT đã đề xuất Thường trực Thành ủy Hà Nội cho phép phát triển số lượng phương tiện xe taxi.
Đánh giá về đề xuất này, thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Đứng trên góc độ Nhà quản lý, Sở GTVT Hà Nội đang nỗ lực giữ cán cân lực lượng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ được thăng bằng. Nhưng cần nhìn nhận rõ rằng, số lượng xe không phải yếu tố quyết định thành bại trong cạnh tranh giữa hai loại hình nêu trên”.
Lấp lỗ hổng quản lý
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, taxi công nghệ, đặc biệt là Grab mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng đã có những bước tiến thần tốc chiếm lĩnh thị trường taxi Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác. Lợi thế lớn nhất của Grab là ứng dụng công nghệ thông tin, mang đến tiện ích tối đa cho hành khách. Ngoài ra, Grab taxi cũng cạnh tranh bằng giá cả, chấp nhận thu cước phí thấp trong thời gian dài để giành thị phần của taxi truyền thống. “Với những ưu điểm đó, dù taxi truyền thống có tăng thêm gấp đôi, gấp ba số lượng cũng khó lòng cạnh tranh được với Grab. Muốn tồn tại, phát triển, phải ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, tăng thêm tiện ích cho khách hàng” - ông Chung nói.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng cho rằng, đề xuất tăng số lượng xe taxi tại Hà Nội vào thời điểm này là chưa cần thiết. Sau khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, cộng với sự cạnh tranh của taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đang rất chật vật, không có nhu cầu tăng thêm số lượng. Mặt khác, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất, Sở GTVT cũng như các cơ quan chức năng của TP nên xem xét kiện toàn công tác quản lý, tạo sân chơi bình đẳng giữa hai loại hình taxi mới và cũ để đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng.
Tại Thông báo số 233 - TB/TU ngày 12/6/2012 của Thường trực Thành ủy Hà Nội về “Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030, có nội dung: “Việc mở rộng mạng lưới hoặc tăng số lượng taxi hoạt động trong TP cần phải căn cứ vào tình hình thực tế ở từng khu vực và từng giai đoạn cụ thể trên địa bàn. Đồng thời, phải đảm bảo yêu cầu tương xứng, đồng bộ với quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông tĩnh của TP”. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện công tác quản lý xe taxi tại Hà Nội có nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao; hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng; UTGT cục bộ còn diễn biến phức tạp, không nên gia tăng thêm số lượng taxi truyền thống.
Với số lượng như hiện tại Hà Nội đã phải chứng kiến cảnh taxi gây náo loạn, UTGT tại các khu vực có bệnh viện, bến xe, trung tâm thương mại… Nếu Hà Nội có thêm 1.000 - 2.000 xe taxi nữa, áp lực giao thông, an ninh trật tự sẽ còn khó kiểm soát hơn nhiều. Thay vì gia tăng số lượng, Hà Nội nên tập trung quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chấn chỉnh lề lối hoạt động tùy tiện, bất chấp pháp luật của bộ phận không nhỏ xe taxi hiện nay.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng |