Đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu: Lợi bất cập hại

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Nhiều chuyên gia đánh giá, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu có thể khắc phục được hạn chế của thu phí qua đầu phương tiện nhưng lại có thể khiến phát sinh nhiều bất cập khác.

Ý tưởng không mới
 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị Thủ tướng phương thức thu phí bảo trì đường bộ mới, đó là thu qua xăng dầu. Theo đánh giá của VCCI, từ góc nhìn chính sách, đây là sáng kiến nhằm bảo đảm tính công bằng trong thu phí bảo trì đường bộ. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ không còn tình trạng cào bằng khi người đi lại, sử dụng đường sá nhiều cũng đóng như người đi ít.
Đây chính là một trong những bất cập đang tồn tại trong phương thức thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện đang được áp dụng hiện nay, khi không ít trường hợp sở hữu nhiều phương tiện nhưng không sử dụng hết mà vẫn phải đóng phí.
Trên thực tế, đây không phải là “ý tưởng” mới của VCCI. Cách đây đúng một thập kỷ, vào năm 2010, khi công bố bản Dự thảo Nghị định về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT từng đưa vào đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Theo đó, sẽ thu qua xăng dầu với mức phí 1.000 đồng/lít xăng và 100 - 800 đồng/km với xe chạy bằng dầu diezel.
Vào thời điểm đó, đề xuất của Bộ GTVT ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận cũng như nhiều bộ, ngành bởi mối quan ngại trong bối cảnh giá xăng bán cho người tiêu dùng đã phải “cõng” quá nhiều loại phí, thuế. Đây lại là mặt hàng nhạy cảm, dễ tác động đến các mặt hàng thiết yếu khác. Thậm chí, lãnh đạo Bộ Tài chính và các DN vận tải lúc đó đều cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT không thuyết phục người dân. Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ GTVT đã quyết định loại bỏ phương án thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, lựa chọn thu phí qua đầu phương tiện. Hình thức thu phí này được áp dụng và duy trì từ đó đến nay.
Tuy nhiên, sau gần chục năm bị loại bỏ bởi không nhận được sự đồng thuận, sáng kiến thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu một lần nữa được VCCI đề cập lại. Và một lần nữa ý tưởng này lại trở thành chủ đề gây tranh cãi.
 Thêm khó khăn cho người dân
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính khẳng định, đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu sẽ mang đến nhiều rủi ro, gánh nặng cho DN.
“Có ảnh hưởng đến rất nhiều mặt hàng khác trên thị trường, song xăng, dầu đang phải cõng rất nhiều thuế, phí khác. Nếu tiếp tục phải gánh thêm quỹ bảo trì đường bộ nữa sẽ không ổn” – ông Long nói. Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, mới nghe, lý giải của VCCI khá hợp lý. Đúng là cách thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện hiện nay đang có nhiều bất cập. Trong khi đó, bản chất của quỹ bảo trì đường bộ, như đúng tên gọi của nó, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các chủ phương tiện trong việc bảo hành, bảo trì, sửa chữa đường bị hư hỏng, xuống cấp do chính các phương tiện của họ gây ra. Như vậy, trường hợp nhiều phương tiện không được sử dụng đến mà vẫn phải nộp phí là chưa hợp lý.
Một bất cập nữa được chuyên gia kinh tế này chỉ ra là, xăng, dầu còn tác động đến nhiều lĩnh vực không liên quan đến đường sá. Với những trường hợp này sẽ phải xử lý như thế nào? “Nhiều người mua xăng dầu về phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chạy máy phát điện... họ cũng phải đóng phí bảo trì đường bộ? Nhưng như thế thì có cách nào xác minh, chứng minh họ mua xăng dầu để chạy máy cày hay chạy ô tô?...
Rất nhiều bất cập sẽ nảy sinh từ đề xuất này”– PGS.TS Ngô Trí Long phân tích. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nếu cộng phí bảo trì đường bộ vào xăng dầu, khiến giá xăng dầu tăng cao thì chẳng khác nào dồn người nông dân vào chân tường.
Giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt
 Đây là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính về tác động tiêu cực của việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu. Tác động tiếp theo là làm cho khả năng lạm phát lên cao.
“Từ trước đến nay, khi giá xăng dầu tăng thì lạm phát cũng tăng theo. Lạm phát vừa do giá xăng dầu tăng, vừa do giá các mặt hàng tăng, khi đó đời sống người dân sẽ gặp khó khăn” – ông Thịnh khẳng định. Do đó, chuyên gia kinh tế - tài chính này cho rằng, đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu cần phải được xem xét cẩn trọng cả về mặt kinh tế vĩ mô lẫn vấn đề an sinh.
Cho rằng có thể khắc phục hạn chế của thu phí đường bộ qua xăng dầu, bằng cách thực hiện việc hoàn bù cho những đối tượng không dùng xăng dầu vào mục đích giao thông, vận tải, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đây là việc không dễ để thực hiện và cũng tiềm ẩn không ít bất cập. Đầu tiên phải có kê khai, xác nhận đối tượng sử dụng xăng dầu vào mục đích không cho phương tiện giao thông. Vậy ai sẽ là người chứng nhận? Kể cả việc theo dõi việc bồi hoàn cho những đối tượng này cũng kéo theo rất nhiều phức tạp. Sẽ phải thành lập một bộ máy chuyên trách nhiệm vụ này. Khi đó ngân sách Nhà nước sẽ thêm sức nặng.
“Việc thu phí bảo trì đường bộ trong những năm qua không hiệu quả mà chi phí rất lớn. Chính vì thế đầu năm 2020, Chính phủ đã ra quyết định bãi bỏ bộ máy quỹ bảo trì đường bộ. Chúng ta vừa mới bãi bỏ xong, không có lý nào lại quay sang thành lập lại” – ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cả hai phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện và qua xăng dầu đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.
Chuyên gia kinh tế này đặc biệt nhấn mạnh đến việc, xăng dầu hiện nay đang phải “cõng” quá nhiều loại thuế, phí nên nếu chịu thêm phí bảo trì đường bộ nữa sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội và nhiều mặt của nền kinh tế. “
Nếu cộng thêm phí bảo trì đường bộ vào, giá xăng sẽ tăng cao. Như vậy sẽ đánh vào giá thành của các sản phẩm kèm theo, làm cho năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ DN Việt sẽ bị ảnh hưởng” – TS Lê Đăng Doanh phân tích, và đề nghị phải xem xét, nghiên cứu thật kỹ về đề xuất của VCCI trước khi quyết định.

"Phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sẽ đảm bảo tuyệt đối việc thu phí bảo trì đường bộ đúng đối tượng, dễ được người dân chấp thuận, không phải thực hiện bù trừ tiền cho các đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không tham gia giao thông." -Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền


"Có khoảng hơn 30% xăng dầu hiện nay, được mua và sử dụng cho sản xuất nông nghiệp mà không dùng để đi trên đường. Đặc biệt, mặt hàng dầu diezel được sử dụng vào mục đích giao thông rất thấp. Theo thống kê, có tới 70 - 80% dầu diezel được dùng trong sản xuất. Nếu đánh phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu thì khác nào, bắt những máy móc nông cụ phải chịu phí. Điều này cũng rất vô lý." -Chuyên gia kinh tế, tài chính cấp cao Học viện Tài chính -PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h