Do đâu tai nạn liên tiếp xảy ra trên quốc lộ 5?

 
Chia sẻ

Hàng loạt vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 5 gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông trên tuyến đường này. Có lưu lượng phương tiện gấp hơn ba lần thiết kế, nhưng lâu nay vốn dành cho trùng tu, sửa chữa cấp bách những hư hỏng trên tuyến quốc lộ 5 chỉ được cấp nhỏ giọt.

Do dau tai nan lien tiep xay ra tren quoc lo 5? - Hinh anh 1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 5 ngày 23-7 vừa qua khiến 5 người chết.

Một cung đường, nhiều tai nạn

Chỉ trong ngày 23-7 vừa qua, ba vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên tiếp xảy ra trên quốc lộ 5, đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến bảy người chết và hai người bị thương. Vụ thứ nhất xảy ra hồi 4 giờ 10 phút tại lối mở dải phân cách vị trí Km 63+300, xe ô-tô 16 chỗ chạy hướng Hải Phòng - Hà Nội đâm chết một người dắt xe đạp qua đường.

Vụ thứ hai xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 phút tại lối mở qua dải phân cách vị trí Km 61+800, xe công-ten-nơ chạy hướng Hải Phòng - Hà Nội đâm vào xe tải đang qua đường từ lối mở làm lái xe tải chết. Vụ thứ ba xảy ra vào hồi 6 giờ 5 phút, xe tải chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng đâm vào dải phân cách và bảy người trên bốn xe máy đang dừng chờ sang đường tại lối mở dải phân cách vị trí Km 63+300, làm năm người chết, hai người bị thương nặng.

Trước đó, ngày 21-1 tại Km 76+410, xe tải BKS 29C-719.53 đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang làm tám người chết và năm người bị thương. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã làm việc với những địa phương nơi có tuyến đường đi qua và yêu cầu phải làm các đường gom, cầu vượt dân sinh tại một số nút giao đường bộ - đường sắt, nơi có người dân và công nhân làm việc ở các khu công nghiệp đi qua thường xuyên, nhằm phòng, tránh TNGT. Tuy nhiên, với việc dân cư sinh sống đông đúc dọc trục quốc lộ 5, nhiều vị trí hàng rào dải phân cách bị người dân tự ý mở để đi lại để đỡ phải đi xa thêm vài ki-lô-mét đường vòng khiến TNGT có nguy cơ diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong sáu tháng đầu năm nay, trên tuyến quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng) đã xảy ra 47 vụ TNGT, làm 53 người chết và 32 người bị thương. Nếu tính tỷ lệ số vụ tai nạn/số người chết, bị thương có thể thấy rõ, mức độ nghiêm trọng của tình hình giao thông trên tuyến đường này trong thời gian qua. Năm 2018, trung bình một vụ TNGT làm 0,82 người chết và 0,55 người bị thương, nhưng sáu tháng trở lại đây, trung bình mỗi vụ có tới 1,12 người chết và 0,68 người bị thương.

Phân tích số liệu của từng địa phương trong năm 2018 cho thấy, TNGT xảy ra nhiều nhất ở đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương, với 30 vụ, 30 người chết và 13 người bị thương. Báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, toàn tuyến quốc lộ 5 qua địa bàn tỉnh Hải Dương có 170 lối đi dân sinh và 36 đường ngang, riêng qua địa bàn huyện Kim Thành đã có 130 lối đi dân sinh và 15 đường ngang, đấu nối từ các công trình công cộng của địa phương (trường học, trụ sở UBND xã, nghĩa trang, đường huyện, liên xã và các lối đi của những hộ dân sống cạnh đường sắt,…) trực tiếp trổ ra quốc lộ 5.

Từ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, tỉnh Hải Dương đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bố trí đầu tư cho địa phương 550 tỷ đồng để xây dựng 4,93 km đường gom (kinh phí 150 tỷ đồng) và xây dựng cầu vượt (400 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương. Tuy nhiên đến nay, số vốn cho các hạng mục này vẫn chưa được phê duyệt.

Chờ vốn mới được đại tu

Quốc lộ 5 nối Hà Nội với Hải Phòng đã được nâng cấp và khai thác được hơn 20 năm, đến nay vẫn chưa đại tu lần nào, trong khi theo quy định, yêu cầu 10 năm phải đại tu. Do không được sửa chữa kịp thời, tuyến đường hiện xuống cấp trầm trọng, nhưng hằng ngày vẫn phải gồng mình để "cõng" hàng chục nghìn lượt xe qua lại, nhất là xe công-ten-nơ trọng tải lớn lưu thông.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, lưu lượng giao thông trên quốc lộ 5 rất lớn (khoảng 50 nghìn xe/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế ở mức 10 nghìn đến 15 nghìn xe/ngày đêm, gấp hơn ba lần). Cùng với đó, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân dẫn đến tai nạn tăng cao trong thời gian qua chính là sự phát triển dân cư, các khu công nghiệp dọc theo quốc lộ; đường sắt chạy dọc và sát quốc lộ cũng như điều kiện về đất đai, kinh phí xây dựng đường gom khó khăn.

Vào năm 2013, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường này, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đã ký hợp đồng đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 5 với Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số tiền 794 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần hai năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án (đoạn qua TP Hải Phòng) đã hư hỏng, sụt lún, tạo thành những "gồ sống trâu", tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được đưa vào khai thác, một phần lưu lượng xe có phân lưu sang đường cao tốc. Tuy nhiên, do đặc điểm quốc lộ 5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc, do đó, quốc lộ 5 vẫn là tuyến đường mà nhiều phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn tiếp tục lưu thông.

Theo đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Ðầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị được bàn giao giao công tác quản lý, bảo trì quốc lộ 5, VIDIFI đã lên phương án sửa chữa quốc lộ 5, hiện đã lập dự án sửa chữa, dự kiến triển khai trong năm 2020. Ðợt 1, bố trí khoảng 840 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách khoảng 30 km (từ Km 46 đến Km 76) đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đã hư hỏng nghiêm trọng. Ðợt 2, VIDIFI sẽ bố trí từ 1.200 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng (tùy theo tính khả thi của phương án tài chính, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định) để sửa chữa khoảng 60 km các đoạn tuyến còn lại.

Bên cạnh đó, VIDIFI cũng tính toán số tiền duy tu, bảo trì quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng. Hiện nay, doanh thu thu phí quốc lộ 5 trước mắt đều được tập trung sử dụng để phục vụ sửa chữa lớn, cấp bách tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, bảo trì, duy tu thường xuyên (trong 30 năm) mà chưa thể sử dụng để hỗ trợ hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cơ chế thí điểm ban đầu do Thường trực Chính phủ quyết định.

Ðể giảm TNGT trên quốc lộ 5, trước mắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Ðường bộ Việt Nam phối hợp các đơn vị tăng cường cảnh báo, sơn kẻ đường, giảm tốc, phản quang và hạn chế tốc độ tại các điểm xung yếu, các điểm mở dải phân cách; cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 km/giờ, trước đó cho phép các xe chạy 90 km/giờ); xem xét đầu tư thêm cầu vượt dân sinh, đèn tín hiệu tại những vị trí nguy hiểm có lưu lượng lớn người, xe máy đi lại; khẩn trương thực hiện trùng tu, sửa chữa mặt đường.

Theo báo Nhân dân

Tin liên quan