Chưa dám hoạt động
Trao đổi với PV Giaothonghanoi sáng 12/10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện Sở đang lấy ý kiến các tỉnh, TP về nội dung kế hoạch thí điểm hoạt động xe khách liên tỉnh do Bộ GTVT ban hành ngày 10/10.
Theo đề xuất, giai đoạn thí điểm theo đề xuất sẽ bắt đầu từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021 và chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Tuy hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đã bị tạm dừng trong thời gian dài, các nhà xe phải đắp chiếu phương tiện để chờ ngày được hoạt động trở lại, nhưng một số ý kiến của DN vẫn tỏ ra không thiết tha đối với kế hoạch do Bộ GTVT mới ban hành.
Trong đó, yêu cầu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô đối với tài xế, nhân viên phục vụ là rất khó để đáp ứng.
|
Vận tải hành khách liên tỉnh thí điểm tái hoạt động với những yêu cầu khắt khe. |
Ông Lê Văn Đông, Giám đốc hãng xe Đông Lý (tuyến Thanh Hóa – Hà Nội) cho biết, hiện tại phần lớn nhân viên của DN này mới được tiêm mũi 1 trong vòng 1 tháng trở lại đây. Do đó, không thể đáp ứng đúng theo quy định của Bộ đề ra. Cộng với chi phí xét nghiệm, số lượng hành khách hạn chế sẽ khiến DN phải chịu doanh thu “âm” nếu hoạt động. Vì vậy, ông Lê Văn Đông cho biết sẽ chưa tổ chức đưa, đón hành khách trong thời gian thí điểm.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, ngoại trừ tại một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chính Minh, số lượng mũi tiêm tại các địa phương hiện chưa đảm bảo được theo yêu cầu của Bộ. Việc tổ chức lại tài xế, nhân viên phục vụ cũng là vấn đề khó khăn mà DN đang gặp phải khi không ít nhân sự đã nghỉ do thời gian dừng hoạt động kéo dài, vì vậy, DN cần thêm thời gian trước khi trở lại vận hành ổn định.
Cần ưu tiên hoạt động nội tỉnh?
Đề xuất thí điểm của Bộ GTVT cũng có nội dung yêu cầu hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, hành khách có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô.
Điều này là cần thiết đối với yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19, tuy nhiên lại tăng một khoản chi phí rất lớn đối với người dân di chuyển bằng phương tiện hành khách liên tỉnh.
Chị Lê Thị Ngà (Lào Cai) cho biết, thông thường, cước xe khách đi từ Lào Cai về Hà Nội khoảng 240 nghìn đồng/lượt. Nếu hành khách quay trở lại sau 72 tiếng, đồng nghĩa với việc phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm RT-PCT (hiện nay khoảng 700 nghìn đồng/lần), chi phí cho mỗi chuyến đi sẽ đội lên đến gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều hành khách cũng lo ngại nhà xe sẽ tăng giá do phải chịu thêm chi phí xét nghiệm.
|
Xe khách liên tỉnh cần thêm thời gian để hoạt động ổn định trở lại. Ảnh minh họa. |
Tuy vậy, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (Sao Việt) khẳng định DN không thể tăng giá ngay cả khi các khoản chi phí bị đội lên cao. Theo đó, đại diện nhà xe Sao Việt cho biết, ngoài các quy định về áp giá, việc đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch cũng là trách nhiệm của nhà xe nên không được đổ vào túi tiền của khách hàng.
Liên quan đến nội dung này, một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng yêu cầu của cơ quan quản lý là cần thiết trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian vừa qua, với sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính quyền, người dân Hà Nội, dịch bệnh đã được kiểm soát và có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng không thể vội vàng.
Do đó, đối với vận tải hành khách, cơ quan quản lý các địa phương nên nghiên cứu hoạt động nội tỉnh (bằng xe buýt, taxi, xe 2 bánh) trước khi có tính toán đến xe khách liên tỉnh, đó là khoảng thời gian quý giá để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý hành khách và phương tiện.