Doanh nghiệp vận tải mong nới các điều kiện hỗ trợ

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp (DN) ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều DN vận tải vẫn chưa thể tiếp cận được “phao cứu sinh” này dù họ đang đứng trước bờ vực phá sản.

 Doanh nghiep van tai mong noi cac dieu kien ho tro  - Hinh anh 1
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các bến xe khách rơi vào tình trạng vắng vẻ. Ảnh: Minh Quân

Sắp “chết đuối” nhưng “phao” lại ở quá xa

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như tất cả các nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, đội xe của Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh đều dừng hoạt động. Dẫu vậy, Giám đốc Nguyễn Duy Ninh vẫn đều đặn lên công ty, kiểm tra sổ sách và cập nhập tình hình dịch bệnh hàng ngày tại các tỉnh, TP trên cả nước. Đây là thói quen được ông Ninh duy trì từ nhiều năm nay, nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát ở nước ta. “Nói là dừng hoạt động từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng thực ra từ lâu lắm rồi, DN của tôi chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì lốt chứ không có khách đi. Cái này đã nói đi nói lại rất nhiều lần rồi” – ông Nguyễn Duy Ninh nói, vẫn với chất giọng hào sảng, phóng khoáng vốn có của mình nhưng ngữ điệu đã không còn sôi nổi như trước mà bỗng trở nên trầm hẳn. Mà không trầm sao được khi ông cùng anh em tài xế, nhân viên công ty đã gồng mình chống chọi với trận đại dịch này suốt gần hai năm qua. Đến bây giờ, khi “sức cùng lực kiệt”, nguồn vốn của DN đã chạm đáy mà dịch bệnh vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc thì dù có là người lạc quan, hào sảng đến mấy thì vị giám đốc này cũng chẳng thể vô tư mà cười nói về tình cảnh của công ty mình như không có gì xảy ra được. “Bây giờ đang tạm dừng hoạt động nhưng chúng tôi cũng chẳng dám nghĩ đến lúc được hoạt động trở lại thì sẽ ra sao nữa. Tiền đâu mà chạy xe? Mọi nguồn lực có thể huy động đều đã dùng trong suốt gần 2 năm dịch bệnh vừa qua rồi” – ông Ninh phân trần.

Trong thời gian qua, cũng như hầu hết các DN vận tải khác, Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh của ông Ninh rất trông chờ vào gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ của Chính phủ bởi với họ, đây gần như là chiếc “phao cứu sinh” duy nhất giúp họ không bị “chìm nghỉm” trong cuộc khủng hoảng thua lỗ và phá sản vì dịch bệnh. Tuy nhiên, khi gói hỗ trợ này chính thức được triển khai, họ lại không dễ dàng gì với tay đến chiếc “phao cứu sinh” ấy bởi có quá nhiều quy định ràng buộc mà không có nhiều DN đáp ứng đủ được. “Theo Nghị quyết 68, DN được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, DN cũng không được có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn” – ông Ninh nói và cho rằng đây là những điều kiện mà các DN vận tải như công ty của ông rất khó để thực hiện. Trong suốt gần 2 năm qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát rất nhiều lần, các DN vận tải bị ảnh hưởng nguồn thu trầm trọng. Để duy trì được hoạt động của DN đến thời điểm này thì có được mấy DN không phải đi vay và không có nợ xấu. “Chờ mãi để thấy được gói hỗ trợ của Chính phủ nhưng chúng tôi rất khó để với tới chiếc “phao cứu sinh” ấy” – ông Ninh thở dài.

 Doanh nghiep van tai mong noi cac dieu kien ho tro  - Hinh anh 2
 Các chuyên gia cho rằng cần nới lỏng các điều kiện vay vốn để DN vận tải có thể tiếp cận được gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.   Ảnh: Lê An

Cần nới lỏng điều kiện để DN tiếp cận được

Với DN vận tải khách tuyến cố định như DN của ông Nguyễn Duy Ninh đã khó tiếp cận với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, những DN vận tải khách bằng xe taxi còn khó hơn bội phần. Đơn giản bởi phần lớn họ vẫn đang cố duy trì hoạt động một số lượng xe nhất định, trong khi gói hỗ trợ này chỉ áp dụng đối với những DN dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%. Giám đốc Mai Linh Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, hiện taxi Mai Linh chỉ dừng hoạt động 50% còn lại được phép chở 50% chỗ ngồi. Điều này đồng nghĩa với việc DN này không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là taxi Mai Linh đang cố gắng duy trì hoạt động khoảng 200 xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục đích chính là phục vụ người dân đi khám chữa bệnh.

Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các DN vận tải đã trông chờ rất nhiều vào gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng để “cứu” họ thoát khỏi khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, những điều kiện ngặt nghèo để DN có thể tiếp cận nguồn vốn vay này vô hình chung lại trở thành rào cản lớn đối với các DN vận tải. “Vận tải là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Các DN vận tải giờ đã vượt quá ngưỡng chịu đựng rồi, hơn lúc nào hết họ cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục duy trì hoạt động và vực dậy sản xuất kinh doanh. Những điều kiện vay vốn cần được nới lỏng hơn nữa làm sao để các DN vận tải có thể tiếp cận được, đây là điều quan trọng nhất vào lúc này” – ông Nguyễn Văn Thanh nói. Theo ông Thanh, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cũng như bất cứ chính sách nào khi đưa ra cần đảm bảo tính phù hợp để phần lớn những đối tượng mà chính sách hướng đến có thể tiếp cận được. Do đó, nếu nhận ra chính sách có những điểm còn quá chặt chẽ và chưa phù hợp thì nên điều chỉnh để phù hợp hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nới lỏng các điều kiện, đối tượng được tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng để vực dậy ngành vận tải bởi lĩnh vực này đang trong tình trạng kiệt quệ bởi dịch bệnh và cần phải được “cứu” ngay lập tức. “Cần phải có sự thống nhất trong triển khai và sự tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực sự. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chính sách an sinh cần đảm bảo tính dài hạn và linh hoạt” - ông Quyền nói.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc thông tin, Bộ GTVT vừa báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các bộ, ngành về đề xuất của Bộ GTVT. "Thời gian qua Bộ GTVT cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN vận tải đường bộ như hỗ trợ mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với DN vận tải hành khách, 10% xe tải và hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải" - ông Trần Bảo Ngọc cho hay.

Tin liên quan