Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): Phải tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chiều 24/3, tiếp tục Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Du an Luat Dau tu theo phuong thuc doi tac cong tu (PPP): Phai tao dieu kien thu hut dau tu tu nhan - Hinh anh 1
Đường cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Mỹ Hoàng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Một trong những nội dung còn quan điểm khác nhau chính là hoạt động kiểm toán Nhà nước. Một số ý kiến thống nhất quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. Một số ý kiến cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bản chất là Dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. 

Một số thành viên UBTV Quốc hội cũng cho rằng, trong giai đoạn chưa thực hiện dự án, vai trò chính là của cơ quan có trách nhiệm thẩm định, chứ không phải là của cơ quan kiểm toán. Phải quy định cơ quan thẩm định dự án phải chịu trách nhiệm về dự án đó. Nếu quy định cơ quan kiểm toán vào từ giai đoạn này là trái với thông lệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đối chiếu với thông lệ quốc tế, bởi có một thực tế đang đặt ra là nhiều DN không muốn làm BOT. Chưa thực hiện dự án đã kiểm toán, làm xong lại kiểm toán lần nữa có thể gây phiền hà cho hoạt động của DN. Trước đây chúng ta thu hút đầu tư BOT khi các quy định chưa hoàn thiện, còn có những kẽ hở, do đó đã gây ra những phản ứng của Nhân dân. Vấn đề đặt ra với luật này là vừa đảm bảo quy định chặt chẽ nhưng đồng thời phải thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

UBTV Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của Dự Luật, đánh giá tác động, lấy ý kiến các chủ thể có liên quan, đặc biệt là tham khảo ý kiến các DN.

Nguyễn Vũ

Tin liên quan