|
Phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Phúc |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khoảng cách quá gần giữa Quảng Trị với các địa phương có sân bay sẽ dẫn đến nguy cơ sân bay Quảng Trị nếu được đầu tư xây dựng sẽ không phát huy được hiệu quả và gây ra lãng phí lớn.
Tham vọng “nối gót” sân bay Vân Đồn
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thì cảng hàng không Quảng Trị sẽ đặt tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích 265ha.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.
Đến giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm. Riêng khu đất quân sự rộng 51,2ha sẽ đầu tư khi quân đội có nhu cầu.
Cũng theo báo cáo tiền khả thi thì dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Trị có tổng mức đầu tư là hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước khoảng 310 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong 50 năm, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ 2021 - 2024 (thời gian đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng). Thời gian vận hành và thu phí hoàn vốn 47 năm 4 tháng.
Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch hướng tới mục tiêu đạt cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO), là sân bay quân sự cấp II với công suất là 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.
Trong đó, hệ thống đường cất/hạ cánh gồm một đường cất/hạ cánh kích thước 2.400m x 45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m. Hệ thống đường lăn gồm một đường lăn song song, chiều dài khoảng 711,5m.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị vừa được Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là sân bay thứ 2 ở nước ta được xây dựng bằng hình thức PPP sau sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh.
|
Sân bay Đồng Hới cách vị trí xây sân bay Quảng Trị chưa đến 100km. Ảnh: Lê Anh |
Nhiều “ông lớn” xếp hàng muốn đầu tư
Một tin vui đến với dự án này là dù chưa chính thức được thông qua về chủ trương đầu tư nhưng đến thời điểm hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư “xếp hàng” muốn được tham gia.
Trong số các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án xây dựng cảng hàng không Quảng Trị có những DN lớn trong nước như Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T hay hãng hàng không Vietjet Air. Bên cạnh đó còn có cả nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan.
Ở trong nước, Tập đoàn T&T là DN mới nhất bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án xây sân bay Quảng Trị và hiện cũng đang là nhà đầu tư tỏ ra sốt sắng nhất khi đề xuất và được chấp thuận nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
Đây vốn không phải là chuyện lạ bởi thời gian qua, Tập đoàn T&T đã tham gia vào khá nhiều dự án hàng không. Mới đây nhất, vào đầu năm 2021, DN này đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Cà Mau, trong đó có việc khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện đầu tư sân bay Cà Mau đạt cấp 4C, công suất dự kiến đạt 1 triệu hành khách/năm.
Trước đó, vào năm 2015, Tập đoàn T&T cũng từng có đơn gửi Bộ GTVT đề nghị được tham gia đầu tư chiến lược vào Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. DN này đề xuất hai phương án là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
|
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tại Thừa Thiên Huế cũng rất gần Quảng Trị.
Ảnh: Lê Thanh |
Nguy cơ lãng phí?
Trên thực tế, việc nhiều địa phương bày tỏ mong muốn được xây dựng sân bay đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều của dư luận cũng như giới chuyên gia, trong đó có cả dự án xây dựng sân bay Quảng Trị. Cần phải thấy rằng, khoảng cách từ Quảng Trị đến các địa phương lân cận đã có sân bay là tương đối gần.
Trong đó, gần nhất là hai “người hàng xóm” Quảng Bình vốn đã có sân bay Đồng Hới và Thừa Thiên Huế với sân bay Phú Bài. Theo tính toán, từ vị trí xây dựng sân bay Quảng Trị đến sân bay Đồng Hới chỉ là 93km. Khoảng cách đến sân bay Phú Bài thậm chí còn gần hơn với chỉ 88km. Các chuyên gia cho rằng, xây sân bay Quảng Trị khi ngay gần đó đã có 2 sân bay khác là không cần thiết và dễ gây lãng phí.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không cho rằng, đề xuất xây dựng sân bay Quảng trị là “duy ý chí” và “thiếu tính thực tế”. “Giữa sân bay Phú Bài tới Đông Hà, Quảng Trị chỉ khoảng 90km, với khoảng cách này không nên làm sân bay" – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định. Ngoài ra, theo chuyên gia hàng không này thì hệ thống đường bộ mà điển hình nhất là đường Quốc lộ từ Đông Hà, Quảng Trị đến Phú Bài, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất tốt.
Trong tương lai gần, khi cao tốc Bắc – Nam phía Đông hoàn thiện, hạ tầng giao thông đường bộ nối từ Quảng Trị đến các địa phương có sân bay lân cận sẽ còn được nâng cấp hơn nữa. Do đó, thay vì xây sân bay ở Quảng Trị thì nên tập trung phát triển đường bộ, đường sắt để kết nối Quảng Trị với sân bay Phú Bài sẽ mang lại hiệu quả hơn.
"Theo quan sát của tôi thì trong khoảng 5 năm tới, mỗi ngày Quảng Trị cũng không có đủ khách để vận chuyển được một chuyến đến một số địa phương khác trong nước", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói và khẳng định, xây dựng sân bay tại Quảng Trị là thiếu thực tế và gây lãng phí.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cũng cho rằng, để sân bay hoạt động hiệu quả thì khoảng cách giữa các cảng hàng không cần cách nhau tối thiểu là 400 – 500km. Trong khi đó, khoảng cách từ Đông Hà, Quảng Trị đến 2 sân bay lân cận là sân bay Đồng Hới tại Quảng Bình và sân bay Phú Bài tại Thừa Thiên Huế còn chưa đến 100km, nếu làm sân bay sẽ tốn kém và lãng phí.
“Làm sân bay không thể như một bến xe ô tô. Bởi đây là một trong những hạ tầng giao thông đắt nhất. Ví dụ như chỉ nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã mất 4.000 tỷ đồng, trong khi đó đời sống nhân dân còn thấp, hạ tầng đang yếu kém, đô thị ùn tắc, ô nhiễm môi trường… nên sân bay không thể làm tuỳ tiện” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.