|
Các phương tiện di chuyển lộn xộn trên đường Giải Phóng. |
Những câu chuyện “dở khóc dở cười”
Dù đã có vạch sơn, thậm chí là dải phân cách cứng quy định rõ làn đường, phần đường dành cho ô tô và xe máy, nhưng tình trạng ô tô, mô tô đi sai làn đường, phần đường ở Hà Nội rất phổ biến, nếu không muốn nói là diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Gần đây một camera hành trình ghi lại cảnh xe tải, xe khách cỡ lớn sẵn sàng đi vào làn hỗn hợp của cầu Thanh Trì khiến hàng dài ô tô xe máy ùn ứ phía sau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cầu Thanh Trì trở thành một trong những "điểm đen" về ùn tắc giao thông của Thủ đô.
Dù làn hỗn hợp trên cầu Thanh Trì chỉ dành cho xe máy ô tô con, thế nhưng tình trạng các phương tiện lớn như xe khách, xe tải, thậm chí xe đầu kéo ngang nhiên di chuyển tại đây khiến nhiều người bức xúc.
Điều này không chỉ khiến tình trạng ùn ứ càng nghiêm trọng hơn mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tai nạn nghiêm trọng với các phương tiện khác.
Một ví dụ khác cho thấy, khi tuyến phố Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thí điểm tổ chức lại từ đường một chiều thành đường hai chiều thì nhiều phương tiện đi sai làn gây ra nhiều câu chuyện bi hài.
Người đi đúng bị người đi sai bấm còi inh ỏi, mắng và giục… buộc quay đầu lại. Bản thân người đi sai làn cũng chưa kịp nhận thức, tuyến phố đã được tổ chức lại giao thông.
Điển hình như tại ngã tư phố Quang Trung cắt Nguyễn Du, nhiều chủ phương tiện vẫn có thói quen đi, dừng, đỗ sang làn bên trái, gây khó khăn trong việc di chuyển của các phương tiện hướng từ phố Quang Trung về phố Trần Nhân Tông.
Trước đó, UBND thành phố chấp thuận đề xuất cho phép các phương tiện lưu thông hai chiều trên tuyến phố Quang Trung (đoạn từ nút giao Trần Nhân Tông đến ngã tư Tràng Thi). Thời gian bắt đầu thí điểm từ ngày 16/7 và thực hiện trong 3 tháng.
Tuy nhiên, nhiều phương tiện lái xe vi phạm giao thông dù tuyến phố đã trang bị hệ thống biển báo, vạch kẻ đã được điều chỉnh theo đường hai chiều.
Thực tế, không chỉ ở cầu Thanh Trì, đường Quang Trung mà ở nhiều tuyến đường của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Giải Phóng… hành vi đi sai làn đường theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến cho nhiều đoạn, nút giao trở thành điểm nghẽn giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Gây tắc nghẽn giao thông là một chuyện, việc đi sai làn đường còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, với lỗi đi sai làn đường, người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đặc biệt, khi điều khiển xe máy, ô tô gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Ô tô lấn làn xe máy, xe máy đi vào làn ô tô là thực tế diễn ra trên tuyến đường Giải Phóng. |
Ý thức người dân sẽ quyết định hành vi đúng
Theo luật sư Lê Minh Trường (Công ty Luật TNHH Minh Khuê), phân làn đường là một trong những nguyên tắc quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho các phương tiện giao thông. Việc đi sai làn đường, luồng đường, nhẹ thì gây xung đột giao thông, ùn tắc, tạo điểm nghẽn, nặng hơn có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo điều 5 “Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với hành vi đi sai làn đường:
Khoản 5: Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi cửa mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này; điều khiển xe đi qua giải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Khoản 7: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông ...
Và quy định tại Điều 6 “Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”.
Cụ thể, khoản 3: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều)...
Khoản 7: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi: Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều cửa đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông...
Trường hợp xe máy đi sai làn đường gây tai nạn cho người khác với mức độ nghiêm trọng; hoặc gây tử vong cho người khác; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 270, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
Khoản 1: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người; mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
Mức phạt tù cao nhất; với hành vi xe máy đi sai làn đường gây tai nạn giao thông là từ 7 - 15 năm tù.
Còn hành vi lái ô tô lấn làn xe máy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm năm 2017, mức phạt nhẹ nhất đối với tội này là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng; Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm nếu: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ví như hành vi điều khiển xe tải, xe khách... vào làn đường hỗn hợp ngoài cùng bên phải trên cầu Thanh Trì như trường hợp trên có thể bị Cảnh sát giao thông xử phạt với lỗi "đi sai làn đường". Mức phạt cho hành vi trên rất nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi "Điều khiển xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều)", sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 3 - 5 triệu đồng; Đồng thời, bị tước quyền sử dụng của giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Ngoài ra, theo khoản 7, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi "Điều khiển xe ô tô không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông" bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng; Đồng thời, bị tước quyền sử dụng của giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Cụ thể hơn về các trường hợp đi sai luật,
Trên thực tế, căn cứ vào quy định của pháp luật, lực lượng chức năng, trong đó có cảnh sát giao thông đã vào cuộc để xử lý trường hợp vi phạm lỗi đi sai làn đường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng cần thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát kết hợp với xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát hoặc clip được người dân cung cấp để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm này.
Đồng thời, các cơ quan hữu quan nên nghiên cứu và có phương án điều chỉnh, bố trí lại làn đường (gần đây nhất là sớm triển khai phân làn tại tuyến đường Nguyễn Trãi) để phù hợp với lưu lượng phương tiện lưu thông.
Ở một khía cạnh khác, mặc dù mức xử phạt cho hành vi đi sai làn đường đã được quy định rõ ràng, song theo lực lượng chức năng, ý thức người dân vẫn là yếu tố quyết định, là “lời giải” cho bài toán này.