Lúng túng thực hiện
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến thể Delta liên tục có diễn tiến phức tạp, nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, một số loại hình vận tải được yêu cầu tạm dừng cả ở hoạt động liên tỉnh và trên địa bàn Hà Nội. Riêng vận chuyển hàng hóa phục vụ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân được yêu cầu không để xảy ra gián đoạn.
Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân còn cao, tính từ thời điểm Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP đến nay, qua công tác phòng, chống dịch tại 23 điểm chốt, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã kiểm soát hơn 250.000 lượt phương tiện với hơn 350.000 lượt người qua chốt. Trong đó có 29.387 lượt phương tiện phải quay đầu không được đi vào TP Hà Nội.
Nhằm phân luồng, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, TP tạo làn ưu tiên trên luồng xanh vận tải với tiêu chí vừa tầm soát nguồn dịch, giám sát lịch trình của tài xế, vừa đảm bảo lưu thông nhanh chóng ở các chốt kiểm dịch phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra xe có giấy phép luồng xanh bằng mã QR-code. |
Ngày 24/7, Hà Nội công bố 16 làn đường luồng xanh kết nối với hệ thống quốc gia qua địa bàn TP để xe lưu thông. Cho đến nay, Sở GTVT Hà Nội cũng thực hiện cấp 5.436 giấy phép ưu tiên phục vụ DN dù trong thời gian này, hệ thống đăng ký trực tuyến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoạt động chập chờn do bị tấn công mạng.
Vẫn còn một số bất cập tồn tại, khiến việc vận hành tuyến đường ưu tiên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, nhiều chủ phương tiện, tài xế phản ánh rằng việc phản hồi hồ sơ đăng ký hoạt động luồng xanh còn chậm. Tình trạng ô tô chở các loại thực phẩm không được đi vào Thủ đô, hoặc phải chờ đợi lâu, dẫn đến ùn tắc kéo dài vẫn diễn ra ở các chốt kiểm soát.
Ngoài ra, còn có sự lúng túng do thiếu đồng nhất về khái niệm mặt hàng thiết yếu dẫn đến tình trạng DN mơ hồ về điều kiện cấp phép. Tính riêng tại Hà Nội, có tới 19.139 hồ sơ bị Sở GTVT Hà Nội từ chối cấp phép ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải vì đăng ký chưa đúng, hoặc không đủ điều kiện.
Tháo gỡ bất cập
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tổ chức hoạt động vận tải, tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa yêu cầu Công an TP; các Sở, ban, ngành; UBND các địa phương triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong thời gian giãn cách thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các chốt kiểm soát trong TP không thực hiện kiểm tra đối với phương tiện đã đi qua chốt kiểm soát cửa ngõ, việc kiểm tra đối với phương tiện phục vụ nhu cầu thiết yếu chỉ được thực hiện tại các điểm giao, nhận hàng hóa. Đối với phương tiện vận chuyển chuyên gia, công nhân, các DN phải lập danh sách phương tiện, đăng ký lộ trình hoạt động để lực lượng chức năng truy vết.
Đối với 23 vị trí chốt kiểm soát ở các cửa ngõ, sau nhiều phản ánh tiêu cực về tình trạng ùn tắc giao thông, chậm trễ lưu chuyển hàng hóa. UBND TP Hà Nội đã có những điều chỉnh, tổ chức phân luồng từ xa để nhằm kéo giãn lưu lượng phương tiện, hạn chế số lượng lớn xe cộ tập trung tại một điểm để công tác kiểm soát được thực hiện nhanh chóng hơn. Trong ngày 27/7, tình hình giao thông tại một số tuyến đường trọng điểm như Pháp Vân – Cầu Giẽ; Ql1 đoạn cầu Phù Đổng đã thông thoáng hơn.
Để khắc phục sự cố trên hệ thống lưu trữ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện tách hệ thống thành cụm riêng phục vụ các Sở GTVT thực hiện phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị vận tải thực hiện đăng ký.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương ra Văn bản số 4481/BCT-TTTN phân chia cụ thể 8 mặt hàng thiết yếu bao gồm các nhóm thực phẩm; loại hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; nguyên liệu, năng lượng; các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung cho biết: "Dù còn bất cập trong quá trình cấp phép, vận hành luồng xanh vận tải, tuy nhiên đây là chủ trương đúng đắn, đảm bảo giám sát chặt chẽ lộ trình phương tiện di chuyển. Đến nay, cơ quan chức năng đã có nhiều điều chỉnh, tháo gỡ, bên cạnh đó, vẫn cần và sự tuân thủ quy định của chính các DN trong hoạt động kinh doanh, vận tải. |