|
Liệu Grab, Goviet, hay Be có trực tiếp quyết định giá cước vận tải? |
Câu hỏi: Grab, Goviet, Be... là doanh nghiệp vận tải hay chỉ là một nền tảng kết nối đóng vai trò trung gian kết nối người dùng với các đơn vị kinh doanh vận tải, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể ngã ngũ. Đó là lý do khiến bản Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 trải qua hàng chục lần trình vẫn chưa thể thông qua.
Theo định nghĩa gần đây nhất của dự thảo sửa đổi Nghị định 86 (13/8/2019) thì kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường nhằm mục đich sinh lợi.
Định nghĩa này có hoàn toàn chính xác và phù hợp với Luật giao thông đường bộ vẫn còn cần bàn cãi. Tuy nhiên, cho dù có đồng ý với định nghĩa này thì mấu chốt nằm ở chỗ các nền tảng kết nối như Grab, Goviet, Be... vẫn thường được gọi là taxi công nghệ, có thực sự tham gia những công đoạn chính là trực tiếp điều hành và quyết định giá cước.
Thực tế, có thể thấy ngay là các nền tảng kết nối hoàn toàn không điều hành phương tiện, và lái xe, và cho dù muốn thì họ cũng không thể làm được việc đó. Bởi quyết định nhận chuyến đi hay không hoàn toàn là quyền chủ động của người lái xe, quyết định có bật ứng dụng để tham gia vận chuyển hành khách, hàng hóa hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào chủ phương tiện và người lái, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối không thể can thiệp để điều hành.
Vấn đề còn lại là Grab, Goviet, hay Be có trực tiếp quyết định giá cước vận tải? Khi chúng ta bật ứng dụng, gọi xe và nhìn thấy giá cước được hiển thị trên ứng dụng. Theo thói quen, chúng ta mặc nhiên cho rằng đó là giá cước do các ứng dụng này áp đặt. Tuy nhiên, về bản chất đây chỉ là các gợi ý, một con số đưa ra để các bên tham gia giao dịch tự quyết định.
Các hãng trung gian kết nối số, không chỉ riêng các ứng dụng gọi xe, đều sử dụng các Hệ thống hỗ trợ quyết định (DSS - Decision Support System) để tính toán, đưa ra các gợi ý chính xác về giá cước vận tải, giá thuê phòng nghỉ, phù hợp với tình hình cung cầu theo thời gian thực.
Dựa trên mức giá đề xuất, khách hàng có quyền quyết định đặt hàng hay không và sau khi nhận được đề xuất giao kết hợp đồng của khách hàng, nhà cung cấp có quyền quyết định chấp nhận hay từ chối đề xuất đó. Trên thực tế, khi gọi grab vào một thời điểm nào đó, người dùng thấy mức cước đề xuất quá cao, họ sẽ quyết định đóng app và xuống đường vẫy taxi.
Khái niệm trực tiếp quyết định giá thực tế không tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Bởi trong một thị trường mà không còn sự độc quyền của một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất, giá được quyết định bởi lựa chọn của cả hai phía, người mua và người bán, không ai bắt được ai phải chấp nhận mức giá mà mình không mong muốn.
Dự thảo thay thế Nghị định 86 đã được sửa đổi gần chục lần vẫn chưa ngã ngũ cho thấy có một sự loay hoay không hề nhẹ của cơ quan quản lý trước xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải. Và sự loay hoay này sẽ không có khả năng dừng lại khi cơ quan quản lý vẫn cố duy trì những khái niệm vốn dĩ không tồn tại.
Một nền kinh tế chuyển đổi thành công, trước hết phải bắt đầu từ sự mong muốn chuyển đổi bằng việc sẵn sàng tiếp nhận những khái niệm mới từ chính các cơ quan quản lý.