Gia hạn chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu: Hợp lý nhưng tránh lạm dụng

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng chưa thực sự ổn định, tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng, thì việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là cần thiết.

Qua đó, trực tiếp giảm giá thành xăng, dầu, đồng nghĩa chi phí sản xuất giảm, hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, nhưng về lâu dài không thể lạm dụng giải pháp mang tính tình thế này.

Kích cầu tiêu dùng, kiểm soát lạm phát

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11859/BTC-CST xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong năm 2025 theo trình tự rút gọn. Dự kiến, mức thuế sau khi giảm đối với xăng (trừ etanol) còn 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít.

Gia han chinh sach giam thue bao ve moi truong xang, dau: Hop ly nhung tranh lam dung - Hinh anh 1
Mua bán xăng tại cửa hàng trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này dựa trên dự báo của các tổ chức uy tín thế giới năm 2025, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Trong nước, mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng chưa thực sự ổn định và vững chắc do vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này là yếu tố bất lợi để hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

“Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ổn định, cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025, nhằm góp phần bình ổn giá bán xăng, dầu trong nước, kiềm chế CPI” – Bộ Tài chính lập luận.

Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là khối DN. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng bày tỏ, việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm hạ giá thành xăng, dầu, kéo theo đó làm giảm chi phí đầu vào sản xuất, hạ giá dịch vụ, giá bán sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là mong muốn chính đáng của ngành vận tải nói riêng và các DN, người dân nói chung. “Mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhưng ngành vận tải chưa lúc nào vơi bớt khó khăn. Vì vậy, nếu tiếp tục được giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn, các DN vận tải sẽ giảm được chi phí nhiên liệu, tiến tới giảm giá dịch vụ. Đây chính là đòn bẩy cho ngành vận tải phát triển trong năm tới” – ông Đỗ Văn Bằng nêu ý kiến.

Đứng ở góc độ chuyên gia thuế, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho biết, thực tế hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí như: thế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (khoảng 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (8 - 10%) và thuế bảo vệ môi trường. Điều này đồng nghĩa gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng ngày càng cao. Nếu giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách, song việc ban hành các chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Quá trình thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ năm 2022 đến nay đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế trong việc góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vì thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là một yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu trong nước.

Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước, nên cũng tác động đến chỉ số CPI, do đó được xem là một công cụ để thực hiện kiểm soát lạm phát. Thực tế, kể từ năm 2022 đến nay, mặc dù lạm phát thế giới có những lúc tăng cao, song kinh tế trong nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, chỉ số CPI và lạm phát được kiểm soát. Theo báo báo của Tổng cục Thống kê, CPI và lạm phát cơ bản năm 2022, 2023 và 10 tháng năm 2024 thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách, từ đó góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, việc duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 đã giúp duy trì ổn định giá xăng, dầu trong nước, dù giá thế giới có lúc tăng mạnh. Tính đến ngày 31/10/2024, giá các mặt hàng xăng, dầu đã qua 44 kỳ điều hành giá, trong đó có 23 phiên giảm, 18 phiên tăng và 3 phiên tăng giảm đan xen. Hiện, giá các mặt hàng xăng, dầu đã được kéo về mức giá thấp hơn so với cuối năm 2023.

Cần giải pháp căn cơ lâu dài

Mặc dù đề xuất này sẽ góp phần ổn định giá bán lẻ xăng, dầu trong nước, góp phần hỗ trợ người dân và DN, nhưng sẽ tác động đến số thu ngân sách Nhà nước. Với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 tương đương năm 2024 và với mức thuế bảo vệ môi trường giảm như đề xuất, số thu thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 giảm khoảng 40.204 tỷ đồng và tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 44.224 tỷ đồng.

Để giảm thiểu tác động đến cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Trong điều hành yêu cầu cả ngân sách T.Ư và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để bảo đảm cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.

Đánh giá về chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, việc điều chỉnh linh hoạt mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thời gian qua đã đem lại hiệu quả và có tác động tích cực đối với DN, người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn.

Ở trong tình thế nền kinh tế khó khăn, giá xăng, dầu cao, thì giải pháp này phát huy hiệu quả. Nhưng về lâu dài, không thể lạm dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Bởi việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức trần trong khung thuế (trừ dầu hỏa) theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc liên tục thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thời gian qua là chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường, đồng thời làm giảm thu ngân sách Nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Do đó, để đạt được mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, phát triển bền vững và vẫn đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần điều hành giá xăng, dầu bám sát diễn biến thị trường thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng, dầu trong nước; khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng, hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Đồng thời bảo đảm nguồn cung, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bán bất hợp lý…

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là cần thiết, góp phần giảm chi phí đầu vào trong sản xuất. Bởi xăng, dầu, mỡ nhờn là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

 

Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được

Nguyễn Nga

Tin liên quan