|
Giá xăng dầu tăng, giảm thất thường trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hải Linh |
Giá xăng dầu vẫn phụ thuộc vào OPEC+ và Mỹ
Diễn biến giá xăng dầu trong năm 2022 vẫn tiếp tục phụ thuộc vào 2 “thế lực” lớn là Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng đồng minh (OPEC+) và các công ty đá phiến của Mỹ.
Ngành công nghiệp dầu mỏ đang phản ứng chậm chạp trước nhu cầu hồi phục vào năm 2021 đã góp phần làm tăng chi phí năng lượng và áp lực lạm phát trên toàn thế giới. Khi nền kinh tế phục hồi và người dân tiếp tục di chuyển bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không, nhu cầu dầu toàn cầu đã gần như phục hồi mức trước đại dịch.
Trong 1 tháng gần đây, có thời điểm giá dầu đã tăng lên trên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong nhiều năm. Chính vì vậy, một số nhà kinh tế lớn đã cảnh báo dầu thô có thể chạm và vượt ngưỡng 100 USD/thùng, đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, với sản lượng 100 triệu thùng/ngày sẽ trở thành dư thừa vào quý I/2022. Cung sẽ vượt cầu ở mức 1,1 triệu thùng/ngày. Như vậy, ước lượng tình trạng dư cung có thể tăng lên 2,2 triệu thùng/ngày trong quý II/2022. Tuy nhiên, những dự báo này còn phụ thuộc vào việc OPEC và các đồng minh tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/tháng.
Cũng theo báo cáo của IEA, trong tháng 11/2021, OPEC+ không đạt được mục tiêu của mình khi chỉ sản xuất khoảng 700.000 thùng mỗi ngày, thấp hơn cả tháng 9 và tháng 10/2021. Điều này phần lớn là do các nhà sản xuất hàng đầu của Châu Phi là Nigeria và Angola đang có vấn đề về bảo trì và đầu tư, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trong năm tới.
Về phía Mỹ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác đã yêu cầu OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn. Tuy nhiên, OPEC+ đã từ chối do lo ngại dịch Covid-19 có thể lại làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ trong mùa Đông ở bán cầu Bắc.
Thị trường thế giới hiện đang chuyển sự chú ý sang ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ. Đây là ngành đã cung cấp phần lớn mức tăng sản lượng ngoài OPEC trong suốt thập kỷ qua. IEA dự kiến sản lượng khí thô và khí lỏng tự nhiên của Mỹ sẽ tăng mạnh 480.000 thùng/ngày trong quý II/2022 và tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong cả năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các công ty đá phiến của Mỹ đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động và thiết bị, do đó IEA dự báo, trong năm 2022, ngành này phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
Lo ngại kiểm soát lạm phát năm 2022
Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong tháng 11/2021 đã có thời điểm cán mức 84 - 85 USD/thùng khiến cho giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tiến sát ngưỡng kỷ lục, tác động tiêu cực đến việc kiểm soát giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia vừa có hoạt động khai thác dầu thô, vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về sử dụng nên việc giá xăng dầu thế giới tăng Việt Nam gặp nhiều bất lợi.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, nếu như năm 2020, Việt Nam khai thác được 11,47 triệu tấn dầu thô, thì năm 2021 giảm xuống chỉ còn 10,23 triệu tấn và mục tiêu năm 2022 chỉ còn 8,74 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước tăng từ 11,948 triệu tấn năm 2020 lên 13,71 triệu tấn vào năm 2021 và 14,18 triệu tấn vào năm 2022.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tháng 10/2021, dầu thô đóng góp vào ngân sách nhà nước 3.800 tỷ đồng và 10 tháng đầu năm thu 33.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính dự kiến, năm nay, dầu thô đem về cho ngân sách quốc gia 35.200 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 600 tỷ đồng so với năm 2020, trong khi giá dầu thô thanh toán đạt khoảng 76 USD/thùng, bằng 170% giá dự toán (45 USD/thùng).
Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân cho hay, thu ngân sách nhà nước năm 2022 hết sức khó khăn trong khi nhu cầu chi tiêu vô cùng lớn. Việt Nam cũng muốn tăng sản lượng khai thác, nhưng năng lực khai thác có giới hạn, trữ lượng mỏ sau một thời gian khai thác đã giảm mạnh, vì vậy, dù có nỗ lực cố gắng nhưng sản lượng khai thác cũng chỉ tăng có mức độ.
“Không thể kỳ vọng tăng thu dựa vào dầu thô. Chưa kể thị trường dầu thô thế giới rất khó đoán định, có lúc dự toán giá cao thì giá lại xuống thấp, có lúc dự toán thấp thì giá lại tăng cao, như năm 2021 dự toán giá dầu 45 USD/thùng thì giá bán bình quân đạt trên 70 USD” - ông Tân phân tích.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thị Kim Oanh, cùng với việc giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới (do bị tác động trực tiếp bởi giá dầu thô) tăng 23,81%; giá bán lẻ xăng dầu tăng 27,23% đã làm cho CPI tăng 1,13% trong tổng mức tăng chung 1,81% trong 10 tháng năm 2021. Như vậy có thể nói, xăng dầu đã và đang là nhân tố quyết định đến việc kiểm soát CPI năm 2022 là dưới 4% theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua. Còn năm 2021, việc kiểm soát giá coi như đã hoàn thành mục tiêu.
Xăng dầu sẽ xoay quanh ngưỡng 100 USD/thùng
Theo dự báo của TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), giá dầu thô thế giới vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, nhưng khó có thể tăng cao đột biến và cũng chỉ xoay quanh ngưỡng 100 USD/thùng.
“Với mức giá xoay quanh 100 USD/thùng các thành viên OPEC và OPEC+ đã tối ưu hóa lợi nhuận nên họ không dại gì để giá dầu tiếp tục leo thang vì phải cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ. Khi giá dầu chạm ngưỡng này, không thành viên OPEC, OPEC+ nào không gia tăng sản lượng khai thác vì quốc gia nào cũng vì lợi ích của họ. Mặc dù OPEC có cam kết về sản lượng khai thác nhằm “bình ổn” giá dầu, nhưng vì lợi ích của mình nên dù có cam kết thì hiện tượng ngấm ngầm nâng sản lượng vẫn xảy ra. Chưa kể, nếu OPEC không tăng sản lượng, thì các thành viên ngoài OPEC cũng tăng sản lượng khai thác vì họ không phụ thuộc vào các cam kết” - ông Phương dự báo.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) dự báo, giá dầu thế giới vẫn xu hướng tăng nhưng khó vượt quá 100 USD/thùng. Với mức giá xung quanh 100 USD/thùng, OPEC có lợi, nền kinh tế thế giới cũng chấp nhận được. Vì vậy, OPEC sẽ không để giá dầu thô vượt mức này. Theo ông Long, giá dầu thế giới trong đà leo thang nhưng OPEC và OPEC+ vẫn khai thác nhỏ giọt bất chấp chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đánh tiếng sẽ “trả đũa” nếu OPEC không gia tăng sản lượng khai thác.
“OPEC đã tính toán, kinh tế thế giới sẽ không tăng trưởng nhanh như dự báo do làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại tại nhiều nước trên thế giới khiến nhu cầu sử dụng năng lượng không tăng đột biến nên không nhất thiết phải tăng sản lượng như mong muốn của cường quốc kinh tế” - ông Long lý giải.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới xung quanh mức 84 - 85 USD/thùng, và nếu dự báo giá dầu lên 100 USD thì trong thời gian tới mặt hàng “vàng đen” vẫn tiếp tục đà lên dốc. Trong trường hợp này, để kiểm soát giá xăng dầu trong nước, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát, giải pháp duy nhất lúc này là giảm các loại thuế, phí đang đánh trực tiếp vào xăng dầu.
"Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, 2 bộ đã phối hợp nhịp nhàng cùng các DN trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Những giải pháp này đã góp phần giảm một phần tác động của giá xăng dầu tăng đến lạm phát năm 2021." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), PGS.TS Ngô Trí Long |