“Giải cứu” hàng không: Mới đề xuất đã gây thất vọng

 
Chia sẻ

Tuần qua, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo hãng hàng không và ý kiến của chuyên gia thì mức hỗ trợ này “gọi là có”, không đáng gì so với thiệt hại do đại dịch gây ra cho các hãng.

Thiệt hại của ngành hàng không thế giới ước tính lên tới 5.000 - 6.000 tỷ USD. Ở nước ta, đầu tháng 3, các hãng hàng không trong nước đã ước thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng và đến nay khi thị trường quốc tế cuối cùng là ASEAN cũng đóng cửa không phận, thiệt hại của các hãng còn trầm trọng hơn.

“Giai cuu” hang khong: Moi de xuat da gay that vong - Hinh anh 1

ACV “hỗ trợ cho có”

Với lý do chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, ACV đã quyết định giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả hãng bay. Thời gian miễn, giảm giá 7 dịch vụ nói trên là 6 tháng kể từ 1.3 đến hết tháng 8.2020.

Đại diện các hãng hàng không tỏ ra thất vọng với quyết định của ACV vì hỗ trợ như vậy chỉ mang tính hình thức. ACV đang có quyền tự quyết hàng chục loại phí dịch vụ hàng không. Điều các hãng cần là ACV trợ giúp những khoản đáng kể.

Cụ thể, ACV giảm 50% phí dẫn tàu bay - loại phí này thấp, hơn nữa không có ý nghĩa gì với các hãng hàng không, vì phần lớn máy bay đang “nằm đắp chiếu” và không phải hãng nào cũng sử dụng dịch vụ này. Tương tự, ACV giảm 10% đối với 5 loại phí (thang ống, thuê băng chuyền, phân loại hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất), mức hỗ trợ này quá thấp và trong lúc ít hoặc không có khách bay thì cũng không có tác động đáng kể đối với các hãng.

Loại phí cuối cùng là thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện cũng chỉ được ACV giảm 30%. Đại dịch kéo dài, hãng bay sử dụng không nhiều diện tích đang thuê của ACV ở nhà ga nên mức hỗ trợ của ACV chỉ như “cho có”.

Trong khi đó, những dịch vụ cần hỗ trợ thì ACV không hỗ trợ, như dịch vụ đỗ máy bay ở sân bay, dịch vụ thiết bị đầu cuối (cute)… Hiện ACV thu phí dịch vụ sân đỗ 32.000 đồng/tấn/ngày, trọng lượng máy bay từ 77 - 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay. Bốn hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo, Jesta Pacific có 220 máy bay, trừ những chiếc đỗ ở sân bay căn cứ (được giảm 50% phí đỗ) thì mỗi ngày các hãng bay phải chi khoảng 400 triệu đồng phí đỗ máy bay, mỗi tháng 12 tỷ đồng.

Mỗi tháng mỗi hãng cũng đang phải trả hàng chục tỷ đồng phí thiết bị đầu cuối nhưng ACV không miễn giảm phí này. ACV cũng không giảm phí thuê quầy làm thủ tục ở các ga hàng không (khoảng 38 triệu đồng/quầy/tháng)…

Đặc biệt, tuyệt đại đa số máy bay đã nằm sân, các hãng không còn nguồn thu, trong khi vẫn phải chi nhiều khoản lớn, điều mà các hãng mong mỏi là được chậm thanh toán phí dịch vụ cũng không được ACV cứu xét.

Cần nhắc lại là, vì chi phí hãng hàng không rất lớn, vốn vay nhiều, nên biên độ lợi nhuận gộp của các hãng chỉ khoảng 10%/năm (mặc dù doanh thu mỗi năm có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng). Ngược lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biên độ lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần hãng bay. Như ACV, năm 2019 đạt doanh thu 18.200 tỷ đồng, lãi trước thuế 10.200 tỷ đồng.

TS. Lương Hoài Nam, người có 30 năm làm trong ngành hàng không, cho rằng: Chính vì các dịch vụ và phí tạo nên siêu lợi nhuận bất hợp lý như hiện nay, nên các hãng hàng không đề nghị miễn giảm phí là có cơ sở, dễ thực hiện. “Chỉ cần ACV giảm bớt lãi là hỗ trợ được ngay các hãng hàng không - khách hàng và cũng để nuôi dưỡng nguồn thu chính của các cảng”, ông nói.

Đề xuất hỗ trợ của Bộ Giao thông - Vận tải cũng rất cầm chừng

Khi được hỏi ý kiến về mức hỗ trợ do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất lên Chính phủ, một lãnh đạo hàng không thở dài ngao ngán và xin được miễn bình luận. Vị này than công sức gây dựng, tích cóp bao nhiêu năm của hãng đã bị Covid -19 phá tan hoang. Chia sẻ với hãng bay, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng có 2 vấn đề đáng buồn trong việc hỗ trợ ngành hàng không: “Thứ nhất là mức hỗ trợ thấp. Có cảm giác Bộ Giao thông - Vận tải rón rén đề xuất vì sợ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và vừa đề xuất vừa thăm dò Chính phủ. Trong khi đó chính Bộ này phải là nơi nắm rất rõ thiệt hại ghê gớm của các hãng hàng không ra sao. Thứ hai là tiến độ hỗ trợ rất chậm. Theo tôi biết, đến nay, giải pháp hỗ trợ ngành hàng không vẫn còn ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa đặt lên bàn của Thủ tướng”.

Trong khi đó theo ông Long, ngay khi dịch bùng phát, hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đã tung gói hỗ trợ hàng không. Mới đây, khi dịch bùng phát tại Mỹ, Tổng thống nước này đã quyết định hỗ trợ ngay 100 tỷ USD cho ngành hàng không Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tháng 3, tại buổi lãm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, với ngành bị thiệt hại trực diện, nặng nề như hàng không, du lịch, phải có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thế nhưng đến nay, các tư lệnh ngành vẫn còn xem xét, nghiên cứu biện pháp miễn, giảm thuế phí cho ngành hàng không.

Trước đó, các hãng bay đã đề xuất các phương án và mức hỗ trợ tối thiểu để giúp họ có thể “sống sót” qua cơn bão Covid-19 như giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay đến, bay đi ít nhất trong khoảng thời gian từ 23.1 - 31.12.2020 và gia hạn thanh toán lên 90 ngày; miễn chi phí bãi đỗ trong năm 2020; miễn thuế sân bay cho các hãng nội địa và giảm 50% cho các hãng bay quốc tế nhằm thu hút khách quốc tế và kích cầu nội địa. Đối với dịch vụ phục vụ mặt đất tại các cảng nhóm A và B không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 53, các hãng bay cũng mong muốn được miễn giảm 50% chi phí trong cùng khung thời gian như trên.

“Nếu đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc, chỉ trong 2 - 3 ngày là Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất Chính phủ quyết, duyệt hỗ trợ nói trên. Nếu Bộ Tài chính khẩn trương thì với việc miễn, giảm thuế cũng chỉ cần 1 tuần đề Chính phủ trình sang Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Long nói.

Bày tỏ thất vọng về cách hỗ trợ hiện nay, ông Long nhận định: “Có vẻ như các bộ chưa thấm thía tính cấp bách của việc giải cứu doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid”. Vì vậy, các bộ vẫn hỗ trợ theo quy trình thông thường, chứ không phải giải cứu.

Theo báo Đại biểu Nhân dân

Tin liên quan