Đường ngắn, chi phí “dài”
Chỉ thị 17/CT-UBND nêu rõ, công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân đối với hoạt động giao thương, đảm bảo không bị đứt gãy trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, đến nay, người dân có nhu cầu vận tải hàng hóa, cung ứng những nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất nhiều khi còn bối rối vì chưa được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ tại huyện Đan Phượng, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn cho rằng chỉ các xe hoạt động liên tỉnh mới cần đăng ký luồng xanh bởi việc cào bằng với tất cả phương tiện sẽ tạo ra vô số bất cập.
Một chủ cơ sở kinh doanh lương thực (xin giấu tên) tại Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, cho biết, khi biết về yêu cầu phải có đăng ký mới được vận chuyển hàng hóa, anh này đã liên hệ với UBND Thị trấn để được hướng dẫn. Theo đó, hồ sơ đăng ký phải đi qua UBND Thị trấn, đến UBND huyện rồi các sở trực thuộc TP. Bên cạnh lo ngại việc đăng ký sẽ chậm trễ, gây thiệt hại lớn về kinh tế với cả đơn vị cung ứng lẫn các DN đang chăn nuôi, sản xuất, chủ phương tiện cũng mơ hồ không hiểu xe sẽ được sắp xếp chạy theo diện lưu thông nào.
Với những phương tiện chỉ đi lại quãng đường ngắn trong phạm vị một quận, huyện, dôi dư mỗi chuyến chỉ ở mức vài chục đến 100 nghìn đồng. Nếu thực hiện đăng ký hoạt động theo luồng xanh vận tải, phải trả khoảng 300 nghìn đồng cho 1 giấy xét nghiệm Covid-19 có thời hạn trong 72 giờ, như vậy chi phí còn cao hơn tiền cước xe, do đó, không ít chủ phương tiện đành dừng hoạt động dù các nhu cầu về hàng hóa vẫn đang rất cao.
Trả lời Giaothonghanoi về những phản ánh của người dân những khó khăn trong hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, lãnh đạo UBND Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cho biết, đơn vị chỉ đang thực hiện theo chỉ đạo của TP, các sở, ngành yêu cầu về địa phương.
Trong khi đó, Chỉ thị 08-CT/UH ngày 28/7 của Ban thường vụ huyện Đan Phượng, nhiệm vụ cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phầm, hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân được đề cao, người đứng đầu các cấp, ngành, xã, thị trấn phải vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm.
Mở lối cho vận tải hàng hóa
Ngày 27/7, để xử lý tình trạng hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ sản xuất nhưng lại không được lưu thông tại một địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông, vận chuyển như trong điều kiện bình thường, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh.
|
Vận tải hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa |
Chuyên gia giao thông, Thạc sỹ Phan Trường Thành cho biết: "Do cách hiểu cũng như triển khai thực hiện các Chỉ thị, văn bản tại một số địa phương là khác nhau, đôi khi là do hạn chế về năng lực của lãnh đạo cơ sở khiến việc đưa vào thực tế lại không đúng tinh thần chỉ đạo, dẫn đến gây khó khăn cho người người dân".
Đặc biệt, trong thời gian các đơn vị chuyên môn đang phải thực hiện xét, cấp rất nhiều đăng ký vận tải như luồng xanh, shipper đối với Sở GTVT; danh mục các cơ sở hoạt động kinh doanh thiết yếu có hoạt động giao hàng, vận chuyển đối với Sở Công thương... việc hàng vạn hồ sơ đăng ký đổ về sẽ có thể gây ra tình trạng quá tải.
Riêng với nhóm mặt hàng thiết yếu, để thực hiện thống nhất, tránh gây khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Bộ Công Thương đã có Văn bản số 4481/BCT-TTTT tham mưu, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách đối với các nhóm hàng như thực phẩm, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhiên liệu và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ, sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Đối với vấn đề đăng ký rườm rà như đã nêu ở trên, một số ý kiến cho rằng với các hồ sơ đã được duyệt thì Sở GTVT, Sở Công thương sẽ quản lý thế nào khi các xe loại này chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ tuyến huyện? Như vậy, tình trạng quản lý trên giấy, không thiết thực sẽ xảy ra, trong khi hoạt động kinh doanh, sản xuất bị đình trệ, gián đoạn.
Điều cần thiết lúc này là sự linh hoạt, chủ động của lãnh đạo cấp cơ sở, tránh thực hiện máy móc, cứng nhắc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.
“Phương tiện vận chuyển hàng hóa muốn ra ngoài đều phải đăng ký luồng xanh và được sự đồng ý, nếu không sẽ bị phạt. Đồng thời, phải được ủy ban xác nhận thuộc diện vận tải hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu ở đó, bởi bây giờ đã có chủ trương tất cả người dân phải ở nhà” – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long. |