Nghề 'hái ra tiền' trong những ngày giãn cách xã hội
|
Tài xế giao đồ tại phố Đội Cấn |
Khi cả nước bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này buộc người dân phải hạn chế ra đường. Trước tình hình đó, việc mua thực phẩm, nhu yếu phẩm phải được giải quyết sao cho vừa hạn chế đi lại, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ trong những ngày ở nhà. Vì thế dịch vụ mua sắm online cùng với giao hàng tận nhà đang là lựa chọn tối ưu nhất.
Anh Đỗ Anh Quang, 30 tuổi, chủ một cửa hàng đồ Âu trên phố Yên Lãng cho biết, khi có lệnh giãn cách xã hội, nhà hàng của anh đã tạm ngừng, nhưng vẫn phục vụ các đơn hàng trực tuyến.
"Sau khi thực hiện việc giãn cách xã hội, mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 30 - 50 đơn hàng, dao động từ 300.000 đến gần 1 triệu đồng/đơn, trong khi trước đó chỉ khoảng 5 - 10 đơn. Hiện nay tại cửa hàng có 3 lực lượng giao hàng nhanh, một là chính tôi sẽ giao nếu đơn gần, hai là nhân viên của Grab và các hãng giao hàng nhanh khác", anh Quang nói.
Nắm bắt nhu cầu, nhiều tài xế xe ôm công nghệ (đã bị cấm hoạt động vận chuyển khách) tranh thủ chuyển sang việc nhận đơn giao hàng online. Với nghề này, cùng với việc giá xăng giảm xuống làm giảm bớt chi phí, nhiều người phần nào đã có nguồn thu nhập khá ổn.
Anh Nguyễn Trọng Hùng, 37 tuổi, trú tại Cầu Giấy đã chạy xe ôm công nghệ gần 2 năm nay, khi dịch bệnh bùng phát khiến lượng khách giảm sâu, anh bắt đầu chuyển hướng sang nhận giao hàng tại nhà.
"Thời gian này, nhất là khi bắt đầu thực hiện việc giãn cách xã hội, các đơn hàng ship đồ "nổ" liên tục, nhiều đến mức chỉ có tắt ứng dụng đi mới không thấy đơn, đặc biệt là các đơn đặt đồ ăn. Có đợt cao điểm ngày 8/3 vừa qua, tôi làm cả ngày không hết, ước chừng phải hơn 40 đơn. Sau khi trừ đi mọi chi phí, hôm đó tôi cũng kiếm được khoảng hơn 1 triệu đồng".
Hướng mới nhưng lo Covid - 19
|
Dịch vụ giao hàng tận nơi đang trở thành xu hướng mới trong mùa dịch |
Khi dịch vụ giao hàng tận nơi đang trở thành xu hướng mới trong mùa dịch, thì nhiều người tiêu dùng lo ngại nguy cơ virus tồn tại trên bề mặt gói hàng hay tiền mặt khi nhận đơn hàng, thậm chí là lo lắng khi phải tiếp xúc với nhân viên giao nhận.
Anh Lê Duy Đạt, 26 tuổi, là một nhân viên Grab thường xuyên giao hàng chia sẻ, một lần anh giao đồ ăn cho khách "ruột" của mình tại khu Hàng Trống, trong lúc chờ đợi có cảm thấy ngột ngạt nên anh có kéo khẩu trang xuống. Khi khách của anh xuống thấy vậy, liền mắng anh và đòi huỷ đơn.
"Đang mùa dịch bệnh mà anh lại kéo khẩu trang xuống? Trước tôi anh còn giao cho bao nhiều người nữa rồi, nhỡ trong số đó có người bị dính virus thì làm sao? Mà có virus thật giờ nó bám đầy trên đồ ăn thì anh chịu thế nào? Tôi không nhận đồ nữa, huỷ đơn, anh mau mang trả về đi. Nghĩ lại lúc đó mình cũng dại thật, đành biến thành bữa trưa của mình vậy". Anh Đạt kể lại.
Lo lắng của khách hàng là có cơ sở, tuy nhiên hiện các công ty giao nhận đều đã triển khai các biện pháp nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn để mang đến sự yên tâm cho khách hàng.
Để phòng tránh dịch bệnh, và để yên tâm cho khách hàng, các nhân viên giao hàng cũng đã tự trang bị dung dịch rửa tay diệt khuẩn, đeo khẩu trang thường xuyên, vệ sinh phương tiện và túi giao hàng bằng dung dịch diệt khuẩn...
Đại diện hãng Grab cho biết, đơn vị triển khai những biện pháp như: Thoả thuận với khách hàng một điểm trung gian để tới nhận mà không phải gặp nhau, khuyến khích khách không thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuẩn bị số tiền chính xác để tránh phải kiểm đếm nhiều lần.
Với hàng hoá, hãng yêu cầu đối tác vệ sinh kho hàng và quầy trưng bày sản phẩm bằng dung dịch diệt khuẩn, kiểm tra thân nhiệt của nhân viên, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với sản phẩm...
"Công ty thường xuyên đo thân nhiệt, kiểm tra sức khoẻ shipper và dán thông tin này trên kiện hàng cho người nhận để thuận tiện cho việc truy vết sau này, các shipper cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi tiếp xúc sản phẩm", vị đại diện này nói.