Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cần được thực hiện kịp thời, đúng lúc

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Kể từ đầu năm 2021, người lao động ngành vận tải hành khách công cộng phải đối mặt với thu nhập thiếu ổn định, gián đoạn tiền lương vì phải nghỉ vì dịch Covid-19. Để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.

"Một miếng khi đói"

Vào làm việc tại Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến từ tháng 3/2021, mức lương 6 triệu đồng/tháng những tưởng sẽ giúp các khoản chi tiêu của gia đình chị Trần Thị Hồng Luyến (nhân viên phục vụ trên tuyến buýt 58 Thạch Bàn – Long Biên) bớt eo hẹp. Nhưng đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 khiến người phụ nữ đang gồng gánh mẹ già và 2 đứa con thơ gặp khó khăn trầm trọng, do vận tải hành khách công cộng phải giảm sản lượng, số chuyến, nên tiền lương các tháng 4,5,6 của người mẹ đơn thân này giảm xuống còn 3,5 triệu đồng/tháng.

Goi ho tro 26.000 ty dong can duoc thuc hien kip thoi, dung luc - Hinh anh 1
 Chị Trần Thị Hồng Luyến lo lắng cho những ngày sắp tới.

Tương tự, cuộc sống gia đình của nhân viên phục vụ tuyến 60B Nguyễn Hồng Kỳ cũng gặp nhiều xáo trộn vì sức tàn phá của đại dịch. Thuê trọ tại thôn Đìa Nam Hồng, Đông Anh, thu nhập bấp bênh khiến vợ chồng anh phải tạm gửi con về quê nội ở Vĩnh Phúc. Hiện tại, dù chi phí sinh hoạt đã được cắt gọt để dùng mua gạo và đồ khô, nhưng anh Kỳ vẫn thực sự bế tắc vì số tiền được lĩnh của nửa tháng 7 đã gần cạn kiệt, hai vợ chồng chưa biết sống tiếp thế nào trong những ngày tiếp theo. Bên cạnh yếu tố giảm lương trong nhiều tháng, từ giữa tháng 7/2021, phần lớn nhân viên, tài xế đang làm việc trên các tuyến buýt còn lâm vào tình trạng thất nghiệp vì tạm dừng hợp đồng lao động, phải nghỉ việc dẫn đến bị cắt đứt thu nhập.
Nhằm hỗ trợ những trường hợp người lao động mất việc do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đến đời sống người dân. Được thông tin về gói hỗ trợ này, chị Luyến, anh Kỳ cũng như đội ngũ nhân viên, lái xe khác đều tỏ ra vui mừng vì khoản trợ cấp sẽ là cứu cánh trước mắt để vượt qua khó khăn hiện nay. Với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng/người, những người lao động đang trong tình trạng thất nghiệp có thể trang trải trước khi TP trở về trạng thái bình thường.

Cần phải triển khai ngay

Nghị quyết 68 của Chính phủ là một quyết sách cần thực hiện kịp thời, đúng lúc mới có ý nghĩa hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong 12 chính sách hỗ trợ, nhóm hỗ trợ trực tiếp tiền mặt bao gồm lao động ngừng việc, mất việc cần được thực hiện ngay, hoàn thành sớm nhất nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.

Tuy vậy, ở một số đơn vị, DN vận tải hành khách công cộng, đang triển khai khá chậm dù đã gần 2 tháng Nhà nước ra chủ trương. Trao đổi với PV Giaothonghanoi, đại diện Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến cho biết, do những yêu cầu về giãn cách, hạn chế số người tập trung cùng một chỗ nên đơn vị chưa triển khai cho người lao động đăng ký nhận hỗ trợ.

Về phía Transerco, ngay sau khi có Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội ngày 23/7, từ ngày 24/7 toàn bộ các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh bị dừng hoạt động (trong đó có hoạt động xe buýt công cộng), Transerco đã thực hiện ký tạm hoãn hợp đồng lao động. Transerco đã hoàn thành việc lập danh sách toàn bộ những người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động để gửi sang cơ quan quản lý Nhà nước để làm thủ tục cho người lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Goi ho tro 26.000 ty dong can duoc thuc hien kip thoi, dung luc - Hinh anh 2
 Các tuyến buýt phục vụ hành khách công cộng đã phải giảm chuyến, lượt và số lượng hành khách do dịch Covid-19.   Ảnh minh họa

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, một số DN vận tải hành khách công cộng dường như chưa nhận thức đúng ý nghĩa của gói hỗ trợ trong Nghị quyết 68, việc tạo điều kiện cho người lao động ngành này cần được thực hiện ngay chứ không phải chờ đợi giãn dịch mới thực hiện. Khoản tiền mặt giúp gười lao động trang trải trong 1 - 2 tháng mất việc nếu phải đợi đến khi ổn định mới được nhận, tinh thần cứu trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ không còn ý nghĩa.

Tại Hà Nội, để các đối tượng được thụ hưởng giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 nhằm đưa chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân được khẩn trương và chính xác nhất. Tính đến ngày 17/8/2021, các sở, ngành, địa phương có liên quan đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 184,772 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 170,649 tỷ đồng).

Tin liên quan