Grab hoạt động trái phép tại nhiều địa phương?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dù chưa được cấp giấy phép kinh doanh nhưng Grab vẫn ngang nhiên hoạt động ở nhiều địa phương. Đây thực sự là một nghịch lý khó ai có thể ngờ được.

Chưa được cấp phép vẫn hoạt động kinh doanh
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới sự vụ tại Công ty TNHH Grab (Grab), đặc biệt là phản ứng của DN này với cơ quan quản lý Nhà nước (Tổng cục Thuế). Sự việc ngày càng trở nên căng thẳng khi Grab tỏ ra rất “cứng” dù trên thực tế DN này đang hoạt động trái pháp luật tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Ngay từ thời điểm Grab mới xuất hiện ở Việt Nam, một cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra xoay quanh câu chuyện định danh DN này. Phía Grab luôn khăng khăng cho rằng mình chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe trong khi phần lớn các ý kiến khác khẳng định, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bởi DN này nắm quyền quyết định giá cước. Cuộc tranh cãi này chỉ đi đến hồi kết khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải chính thức ra đời và có hiệu lực từ 1/4/2020.
Theo quy định, những đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều hành phương tiện, nếu muốn hoạt động phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Chiếu theo quy định này, Grab muốn hoạt động tại các tỉnh, TP ở Việt Nam phải được Sở GTVT địa phương đó cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, chỉ có một địa phương duy nhất cấp phép kinh doanh vận tải cho Grab là TP Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa, Grab đang hoạt động kinh doanh trái phép luật tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhiều địa phương khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, để được hoạt động hợp pháp tại một địa phương nào đó, đầu tiên Grab phải được Sở KH&ĐT địa phương đó cho phép đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải. Bước tiếp theo, Grab phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Nghị định 10/2020, đó là thành lập DN, tuyển dụng lái xe, mua sắm phương tiện, người quản lý điều hành vận tải, điểm đỗ xe, quy trình quản lý an toàn giao thông...
Sau khi hoàn thành các điều kiện trên, Grab mới có thể làm hồ sơ đề nghị Sở GTVT địa phương cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Chỉ khi nào cầm trên tay giấy phép kinh doanh vận tải này, Grab mới được quyền hoạt động.
Thậm chí, đối với địa bàn TP Hồ Chí Minh, dù Grab đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải nhưng nếu muốn kinh doanh vận tải ở tỉnh, TP khác thì Grab cũng phải có văn phòng ở tỉnh, TP đó và văn phòng này đương nhiên cũng phải được Sở GTVT địa phương cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Nghị định 10/2020 có hiệu lực từ 1/4/2020, nghĩa là trong suốt gần một năm qua, Grab vẫn đang hoạt động ở nhiều tỉnh, TP dù chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Các địa phương phải chịu trách nhiệm
 Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, Nghị định 10/2020 là hành lang pháp lý quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, do đó, bất cứ DN nào hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam đều phải chấp hành nghiêm chỉnh.
"Nghị định 126/2020 là văn bản được rất nhiều cơ quan nghiên cứu, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý... sau đó mới trình Chính phủ xem xét, ban hành mà Grab lại nói Nghị định 126/2020 đang bị Tổng cục Thuế áp dụng không hợp pháp. Tôi cho rằng Grab đang cố tình không chấp hành pháp luật của Việt Nam. Trước đó, Nghị định 10/2020 yêu cầu DN này phải có giấy phép kinh doanh vận tải nhưng Grab không chấp hành” – ông Nguyễn Văn Thanh phân tích.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh – giảng viên Học viện Tài chính khẳng định, việc để Grab hoạt động tại nhiều địa phương khi chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận tải có trách nhiệm của cơ quan chức năng những địa phương đó. “Để một DN hoạt động trái phép như Grab mà không có biện pháp xử lý sẽ tạo ra những tiền lệ xấu về sau, đặc biệt Grab là DN nước ngoài. Điều này sẽ khiến các DN nước ngoài khác đặt câu hỏi về môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta” – PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh nói; đồng thời cho rằng, đã đến lúc phải tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của Grab trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để làm rõ những sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm khắc.

"Hầu hết hãng taxi công nghệ đã kê khai theo hình thức là đơn vị kinh doanh vận tải từ khi có Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hãng taxi công nghệ Grab vẫn tự cho mình nằm ngoài đối tượng đó và không chịu kê khai hạch toán." - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan

Quý Nguyễn

Tin liên quan