Grab phớt lờ quy định của Bộ Giao thông Vận tải

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo Hiệp hội vận tải Việt Nam, Grab đang ngày càng “phớt lờ” các quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như: Tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, TP lên 15 tỉnh, TP; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như: Quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi…

Grab phot lo quy dinh cua Bo Giao thong Van tai - Hinh anh 1
Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, từ đầu năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu soạn thảo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 86 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng đến nay, gần 3 năm trôi qua, nghị định này vẫn chưa được ban hành, dù đã nhiều lần được Bộ Tư pháp thẩm định.

Trong khi vấn đề quản lý đối với Grab Taxi đã qua giai đoạn thí điểm hơn 3 năm (quá thời hạn cho phép hơn 1 năm) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách như: Sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với Nhà nước; không ai quản lý các điều kiện ATGT đối với các xe tham gia vào Grab.

Đặc biệt, Grab đang ngày càng "phớt lờ" các quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như: Tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, TP lên 15 tỉnh, TP; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như: Quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi... chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách như quy định tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT đã gây nên mâu thuẫn gay gắt với các đơn vị kinh doanh taxi (kể cả các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi đã áp dụng công nghệ kết nối như: G7, Liên minh taxi Việt, Be...).

Đồng thời, vấn đề xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với điều kiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng quá đơn giản đang phát triển rầm rộ; các xe này thực chất không phải là phục vụ khách hợp đồng đi theo đoàn mà vẫn phục vụ khách đi lẻ thuộc phân khúc thị trường của xe tuyến cố định; hẹn khách qua điện thoại, chạy xuyên vào trung tâm các đô thị đón khách tại các "bến cóc" các điểm hẹn trên đường phố, cạnh tranh không công bằng đang tạo ra mâu thuẫn rất gay gắt với xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và gây mất trật tự, an toàn và ùn tắc giao thông.

Nhiều Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh, TP có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ có liên quan có quy định chặt chẽ hơn đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng để khắc phục tình hình trên.

Từ đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP để lực lượng kinh doanh vận tải ô tô trong phạm vi cả nước phát triển lành mạnh.

Trung Quân/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan