Lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố tại Chốt 13 đường Hà Nội - Hòa Bình. Ảnh: Ngọc Hải
|
Nhanh, mạnh, chính xác
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng, Chính phủ cũng như UBND TP Hà Nội đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để ứng phó. Một trong những biện pháp đó là thành lập 30 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Thủ đô. Các chốt có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện ra vào TP tại các cửa ngõ, trục chính giao thông liên tỉnh hoặc nội bộ, hoạt động liên tục 24/24 giờ mỗi ngày. Lực lượng chủ công là Công an TP với CSGT, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT và cán bộ y tế.
Nhiệm vụ chủ yếu của các chốt là: Đo thân nhiệt, rà soát dấu hiệu dịch bệnh Covid-19 đối với từng người dân ra vào TP. Đồng thời tuần tra, giám sát việc dừng hoạt động toàn bộ các phương tiện kinh doanh dịch vụ vận tải khách; bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông kết hợp tuyên tuyền vận động người dân thực hiện nghiêm chỉ thị cách ly xã hội; xử lý các hành vi cố tình vi phạm.
Việc triển khai kịp thời 30 chốt kiểm soát là quyết định chính xác, mạnh mẽ và hiệu quả của TP. Việc rà soát các ca bệnh trong cộng đồng xã hội nhờ thế bảo đảm hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn. Người dân thêm yên tâm, tin tưởng vào các biện pháp đối phó với dịch bệnh của TP.
Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, quận Hoàng Mai Trần Văn Bính
|
Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, sau ít ngày triển khai, 30 chốt trực đã kiểm soát được hàng vạn phương tiện và người dân; phát hiện 7 trường hợp có dấu hiệu bất thường, đưa đi khám sàng lọc; xử phạt 2 xe taxi, 1 xe khách cố tình vi phạm lệnh cấm kinh doanh; tuyên truyền, vận động được 70 trường hợp, 35 phương tiện chấp hành việc cách ly. Cùng với nỗ lực chung của toàn TP, các chốt kiểm soát đã phát huy vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, không chỉ trên địa bàn Thủ đô, mà còn cả với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Thiếu tá Lê Văn Tiến - Phó đội trưởng Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), Chỉ huy Chốt số 13 tại cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cho biết, mỗi ngày có tới hơn 2.000 lượt người, 1.000 lượt phương tiện qua lại, được kiểm soát y tế tại chốt. Tuy nhiên, việc kiểm tra được tiến hành nhanh gọn, chỉ mất khoảng chưa đầy 1 phút với mỗi trường hợp nên không gây phiền hà cho người dân. “Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có ý thức rất cao, tự giác với nhiệm vụ của mình, phối hợp nhuần nhuyễn, bài bản. Vì vậy, dù vất vả nhưng mọi người đều cảm thấy hài lòng với kết quả công việc” - ông Tiến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thảo - nhân viên y tế Chốt số 13 thông tin thêm, các chốt kiểm soát đều có sẵn kịch bản ứng phó với mọi trường hợp có thể xảy ra. Điều kiện cơ sở vật chất tại các chốt kiểm soát cũng khá đầy đủ, từ nhà vệ sinh công cộng, phục trang bảo vệ (khẩu trang, găng tay cao su…), thiết bị phun khử khuẩn… đều được trang bị đầy đủ. Tuy chưa thực hiện việc xét nghiệm nhanh nhưng các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đều được đưa đến cơ sở y tế chuyên trách một cách nhanh chóng, gọn gàng. Với sự xuất hiện của CSGT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát trật tự, phản ứng nhanh, việc dừng xe, đo thân nhiệt, rà soát lịch trình của người dân rất thuận lợi.
Không quản gian nan, nguy hiểm
Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết người dân, lái xe qua khi qua các chốt kiểm soát đều có ý thức hợp tác với cán bộ y tế, đo thân nhiệt, chia sẻ đầy đủ, chính xác thông tin lịch trình đi lại. Phó đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hà Đông Tưởng Đỗ Hiển chia sẻ: “Việc lập chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được bà con trong khu vực rất ủng hộ. Người dân khi qua chốt chấp hành rất tốt việc kiểm tra, nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng”.
Hầu như tất cả các chốt đều được người dân quan tâm, gửi những món quà vô cùng ý nghĩa để động viên tinh thần cán bộ chiến sĩ. Nhiều nơi, người dân còn tình nguyện góp sức trong công tác hậu cần như nấu cơm cho cán bộ, chiến sĩ, cho mượn nhà để lập chốt, ngủ nghỉ… Thậm chí, có trường hợp như bà Nguyễn Thị Dung, dù ở tận Thái Nguyên nhưng vẫn mang 50kg chè xuống ủng hộ cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội.
Đối với những trường hợp cố tình không hợp tác hoặc gây khó dễ cho chốt kiểm soát cần phải xử lý mạnh tay, tuyên truyền thông tin trên các cơ quan báo, đài để người dân biết. Chắc chắn đại đa số Nhân dân đều có ý thức tốt, chính vì thế, những trường hợp hành xử “xấu xí” tại các chốt kiểm soát càng cần bị dư luận lên án.
Chị Trương Thị Hà - phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây
|
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được góp phần công sức thiết thực vào công tác phòng chống dịch bệnh chung của TP, các cán bộ, chiến sĩ bám chốt cũng còn không ít lo toan. Mở hộp cơm đạm bạc ăn vội giữa giờ nghỉ, chị Nguyễn Thị Thảo tâm sự: “Đi làm cũng lo lắng về dịch bệnh lắm nhưng đó vừa là công việc, vừa là trách nhiệm của mình với cộng đồng. Chỉ không yên tâm nhất là hai đứa con nhỏ ở nhà, bố đi làm xa, phải tự chăm nhau, tự bảo ban học hành”.
Một số nhân viên y tế đóng chốt cũng cho biết, việc phải tiếp xúc gần, kiểm tra thân nhiệt và dấu hiệu bệnh cho người dân cũng khiến họ lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, chưa một ai tỏ ý muốn từ chối công việc, nỗi lo chỉ khiến họ thận trọng, chu đáo hơn trong quá trình tác nghiệp.
Một điều đáng nói, là vẫn có số ít người thiếu ý thức, sẵn sàng có lời lẽ, hành vi khiếm nhã khiến cán bộ, chiến sĩ không khỏi “chạnh lòng”. Đơn cử, trong sáng ngày 4/4 tại Chốt số 13, lái xe tải mang BKS: 26C - 044.88 đã buông lời gay gắt với cán bộ, chiến sĩ khi được yêu cầu xuống xe vào chốt đo thân nhiệt. Ông Tưởng Đỗ Hiển cho biết: “Đối với những trường hợp như thế này, chúng tôi vẫn hết sức mềm mỏng, thuyết phục. Hy vọng người dân hiểu và cảm thông với công tác của cán bộ đóng chốt”.
Trong một khảo sát nhỏ do Kinh tế & Đô thị thực hiện với 100 người dân tại các quận, huyện: Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thạch Thất, Sơn Tây… tất cả các ý kiến đều cho rằng việc lập 30 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ Thủ đô là cực kỳ cần thiết. Thậm chí nhiều người dân còn mong muốn, các chốt kiểm soát cần có thêm bộ phận y tế chuyên trách, làm xét nghiệm nhanh tại chỗ đối với người qua lại, để nâng cao hơn nữa hiệu quả rà soát các ca bệnh, đặc biệt trong thời điểm phức tạp hiện nay.