Nỗi lo “mất Tết”
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người đi xe khách giảm mạnh. Tại các bến xe, lượng phương tiện xuất bến thưa thớt. Chỉ còn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, nhiều nhà xe ở Hà Nội vẫn đang ngóng trông từng ngày chờ hành khách đặt vé.
Anh Lê Văn Vũ, nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại chúng tôi mới chỉ nhận được 9 khách đặt vé xe về quê vào ngày 27 và 28 âm lịch. Những năm trước, ngay từ đầu tháng nhà xe chúng tôi đã phải sắp xếp phương tiện, lái phụ xe cho những ngày giáp Tết vì lượng khách đặt vé đông”.
Anh Lê Văn Vũ cho hay, từ khi được phép hoạt động trở lại đến nay, lượng khách chỉ đạt 20% so với trước kia. Mỗi chuyến xe xuất bến nhà xe phải bù lỗ khoảng 1 triệu đồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, anh cho rằng, dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không đạt được số lượng khách như kỳ vọng.
|
Chỉ còn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, nhiều nhà xe ở Hà Nội vẫn đang ngóng trông từng ngày chờ hành khách đặt vé. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích, chủ xe khách chạy tuyến Hà Nội - Nam Định chia sẻ: “Trước đây, vào dịp cuối năm, chúng tôi duy trì 6 xe chạy liên tục trong ngày với công suất khoảng 300 khách thì giờ chỉ duy trì 3 xe. Dẫu vậy, nhiều nhất cũng chỉ có 10 - 12 người/chuyến, cũng có ngày chỉ có 1 - 2 người".
Theo chị Nguyễn Thị Bích, việc kỳ vọng vào lượng khách tăng đột biến trong những ngày giáp Tết Nguyên đán là không thể khi sinh viên chưa thể trở lại Hà Nội học tập. Bên cạnh đó, nhiều người dân e ngại dịch bệnh Covid-19 mà hạn chế di chuyển.
“Hiện tại, chúng tôi giảm một nửa số chuyến xe chạy so với trước kia, tuy nhiên việc bù lỗ vẫn không thể tránh khỏi. Để giữ khách cũng như vị trí đỗ trong bến, chúng tôi vẫn chấp nhận bù lỗ để hoạt động. Giờ chỉ còn hy vọng năm tới sẽ khởi sắc hơn” - chị Nguyễn Thị Bích nói.
Không chỉ nhà xe, lái xe cũng không khỏi lo lắng khi thiếu việc làm. Anh Nguyễn Đức Toàn, lái xe khách chạy tuyến Hà Nội - Yên Bái cho hay: “So với cùng kỳ, lượng hành khách năm nay chỉ bằng 1/4 những năm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Cả năm chúng tôi trông chờ vào mấy ngày Tết, thế nhưng thời điểm hiện tại hành khách đi lại rất ít, tình trạng xe đến giờ lăn bánh còn thừa nhiều ghế xảy ra hàng ngày”.
Thay vì mỗi ngày chạy một chuyến như trước đây với tiền thù lao là 500.000 đồng, nay cách một ngày anh Nguyễn Đức Toàn mới đến lượt chạy, thu nhập cũng giảm một nửa. Với số lượng khách thưa vắng đến thời điểm hiện tại, anh cho rằng, dịp Tết năm nay sẽ rất khó khăn đối với cả nhà xe và lái xe.
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, việc vắng hành khách đặt mua vé xe Tết Nguyên đán 2022 đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp vận tải hành khách tại các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội.
Không mấy khả quan
Câu chuyện xe về quê dịp Tết luôn được nhiều người quan tâm, đặc biệt là với những người làm ăn xa quê. Tuy nhiên, khác với mọi năm, kế hoạch đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay đã có những dấu hiệu bị tác động bởi đại dịch Covid-19, điều đó thể hiện ở lượng khách đặt vé xe Tết giảm mạnh.
Ông Trịnh Hoài Lam - Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một nhà xe nào đăng ký chạy dịp Tết Nguyên đán. Nhiều nhà xe vẫn còn dè chừng, e ngại các địa phương dừng việc vận tải hành khách đến và đi do dịch Covid-19”.
|
E ngại dịch bệnh Covid-19, nhiều người không về quê ăn Tết hoặc sử dụng xe cá nhân để về. |
Theo vị Phó Giám đốc này, những năm trước, việc chuẩn bị phương tiện phục vụ hành khách dịp Tết được bến xe và các nhà xe lên kế hoạch từ rất sớm, năm nay không ít quầy vé vẫn đóng cửa. Dự kiến lượng hành khách đến bến trong dịp Tết Nguyên đán năm nay chỉ đạt 20 - 30 % so với những năm chưa xuất hiện dịch Covid-19.
“Mặc dù dự báo lượng khách đến bến sẽ giảm mạnh, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu. 100% khách đến bến xe được yêu cầu khai báo y tế, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu nhà xe không tự ý tăng giá; phương tiện khi xuất bến đảm bảo an toàn sạch sẽ. Bến xe chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra giá vé cũng như việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 của nhà xe trước khi xuất bến để người dân được đi lại thuận tiện nhất” - ông Trịnh Hoài Lam cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, khó khăn hiện nay là dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố diễn biến vẫn phức tạp. Số ca mắc vẫn tăng, hành khách lo sợ dịch bệnh khi đi trên phương tiện xe khách công cộng mà chuyển sang sử dụng xe cá nhân khiến hoạt động vận tải hành khách đường bộ bị ảnh hưởng rất lớn trong dịp Tết.
“Học sinh, sinh viên vẫn chưa quay trở lại Hà Nội để học tập cũng đã tác động không nhỏ đến lượng hành khách đi xe. Ngoài ra, một số nhà máy, xí nghiệp sẵn sàng trả lương cao, hỗ trợ cho công nhân không về quê ăn Tết để tránh đứt đoạn dây chuyền sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến người lao động khó quay trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, các đơn vị vận tải khách còn khá dè dặt khi đưa nhiều phương tiện vào khai thác vì lo phải bù lỗ sau mỗi chuyến xe. Các địa phương thường xuyên thông báo thay đổi cấp độ dịch ở mỗi vùng nên khó khăn trong việc kết nối lại các loại hình vận tải.
Lượng người sử dụng xe khách từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không mấy khả quan. Để khắc phục phần nào những khó khăn, các địa phương cần đánh giá và công bố kịp thời cấp độ dịch Covid-19 để các đơn vị kinh doanh vận tải tra cứu và thống nhất hoạt động, người dân nắm được tình hình trước khi ra quyết định về quê.
Bên cạnh đó, nhà xe cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ cũng như công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, tạo sự yên tâm cho hành khách sử dụng dịch vụ.
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
|