Hà Nội nói không với “xin xỏ” cho vi phạm giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ra nghiêm lệnh, cấm lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các sở ngành của Hà Nội can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông. Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu UBND TP, nói không với “xin xỏ” cho vi phạm giao thông.

Rõ ràng, thẳng thắn

Ngày 15/9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Văn bản số 3024/UBND - ĐT về việc tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về trật tự, ATGT.

Văn bản nêu rõ tính cấp bách của việc chấn chỉnh ý thức, xây dựng văn hoá giao thông lấy cán bộ, công chức nhà nước làm hạt nhân trung tâm; yêu cầu cán bộ nêu gương cho quần chúng Nhân dân noi theo.

Vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhìn nhận thẳng vào những hạn chế tồn tại nói chung của ý thức tham gia giao thông trong một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô, có cả cán bộ, công chức, trí thức. Qua đó đưa ra những yêu cầu rất rõ ràng, thẳng thắn.

Đó là yêu cầu cả hệ thống chính trị phải thường xuyên tổ chức quán triệt, phổ biến Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ha Noi noi khong voi “xin xo” cho vi pham giao thong  - Hinh anh 1
 Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đã được Hà Nội thực hiện kiên trì trong nhiều năm qua. 

Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu, tập thể liên quan.

Công an TP, Sở GTVT Hà Nội phải chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; chạy quá tốc độ; “cơi nới” thành thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải.

Đặc biệt phải thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp người vi phạm giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo quy định.

Việc thông báo như nêu trên lâu nay vẫn bị “lờ đi” khiến một bộ phận cán bộ nhà nước vẫn “chưa biết sợ”, có nhiều hành vi vi phạm giao thông, rồi lợi dụng quan hệ để né tránh xử phạt, khiến dư luận Nhân dân bất bình.

Giải toả áp lực

Không chỉ thiếu ý thức khi tham gia giao thông, một số cán bộ, công chức nhà nước trên địa bàn Thủ đô còn lợi dụng chức vụ, quan hệ chính trị để can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng.

Đó là một thực tế khiến CSGT, Thanh tra GTVT lúng túng trong trong trạng thái “có khổ không thể nói” suốt nhiều năm qua. Tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp như hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là vi phạm còn nhiều, tái diễn liên tục. Muốn xử phạt nghiêm minh, triệt để cần cởi bỏ áp lực chính trị cho lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra mệnh lệnh: “Nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT của lực lượng chức năng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm”.

Hiệu lệnh này đã thực sự khiến Nhân dân nức lòng mong đợi, những người có thói quen “xin xỏ” phải chùn tay. Đó chính là thông điệp mạnh mẽ của một trong những người đứng đầu hệ thống chính trị của Thủ đô, cho thấy quyết tâm đẩy lùi vi phạm, xây dựng văn hoá giao thông cho Hà Nội.

Có thể thấy Hà Nội đang làm mọi cách có thể, tạo mọi điều kiện để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn trật tự, ATGT. Vấn đề còn lại chỉ là hiệu quả làm việc trong thực tế mà thôi.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đã được Hà Nội thực hiện kiên trì trong nhiều năm qua. Nhưng áp lực giao thông gia tăng từng ngày, trong khi hiệu quả xử phạt vi phạm chưa được như mong đợi, dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông còn diễn biến rất phức tạp, đáng lo ngại.

Đặc biệt là các hành vi “nhờn luật”, bắt nguồn từ việc “xin - cho” đang lây lan, tạo thành tập quán xấu trong bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt nghiêm, vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn, kéo dài nhiều năm nữa.

Nhân dân Thủ đô đang rất kỳ vọng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô sẽ nêu gương tuân thủ luật và nói không với “xin xỏ” vi phạm trong giao thông, đúng như mệnh lệnh Vị lãnh đạo UBND TP vừa ban hành.

Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn

 

Tin liên quan